CHUYÊN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI DO SỞ LĐ-TB&XH TP.HCM PHỐI HỢP THỰC HIỆN

'Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm' là sao?

ThS Trần Thanh Hồng Lan, Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), đã có những buổi làm việc với các sinh viên (SV) ngành công tác xã hội về vấn đề bình đẳng giới (BĐG). Hầu hết SV đều nhận thấy trong cuộc sống thường ngày ở các gia đình rất dễ có yếu tố bất BĐG. Một SV bày tỏ: “Xưa nay đã phổ biến quan niệm việc nhà và chăm con là của phụ nữ, nam giới thì đi làm bên ngoài xã hội kiếm tiền”.

Một SV năm hai chia sẻ về vấn đề nhạy cảm hơn là ngoại tình: “Nếu đàn ông ngoại tình, phụ nữ luôn được khuyên là tha thứ bởi đàn ông nào chẳng có tính trăng hoa, thậm chí gia đình chồng cũng gây áp lực để người phụ nữ phải bỏ qua. Nhưng nếu phụ nữ ngoại tình thì sẽ ít được tha thứ, gia đình cô ấy cũng dè bỉu, coi khinh. Còn nếu lỗi của cả hai người thì sẽ dễ bị đổ hết sang cho phụ nữ”.

Những câu chuyện trên đã được ThS Hồng Lan chia sẻ trong hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy truyền thông BĐG tại cộng đồng dân cư”. Hội thảo do Học viện Phụ nữ Phân hiệu TP.HCM phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức ngày 15-12.

Định kiến giới còn nặng trong mỗi gia đình

Một SV năm ba nói: “Từ thế hệ cha mẹ của chúng em trở lên, muốn đòi BĐG là rất khó”. SV này cho rằng BĐG thực ra mới chỉ ở trên khẩu hiệu và trong sách vở. Trong các gia đình, nhất là những gia đình nhiều thế hệ thì việc tổ chức gia đình luôn đẩy phụ nữ vào thế phục tùng, yếu thế, bị phán xét khắt khe hơn nam giới.

Theo ThS Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM (Học viện Phụ nữ Việt Nam), nhiều phụ nữ bị gia đình chồng xem như tội đồ khi không sinh được con trai, thậm chí bị đánh đập, hắt hủi. Những tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn được “di truyền” đến ngày nay. Theo bà Mỹ Linh, nhiều phụ nữ cũng chấp nhận sự bất bình đẳng đó và giáo dục, gò ép con cái theo tư tưởng bất BĐG.

Các đại biểu sôi nổi trao đổi, hiến kế để nâng cao chất lượng truyền thông bình đẳng giới tại cơ sở. Ảnh: HỒNG MINH

Chị Phạm Thị Bích Ngọc, đang công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết qua quan sát từ công tác hội, hầu hết việc nhà vẫn do phụ nữ gánh vác. Người phụ nữ luôn phải chịu áp lực chu toàn việc nhà, nuôi dạy con cái; nếu không gánh vác nổi, rất dễ bị đánh giá là hư hỏng. Trong gia đình chị vẫn luôn có tư tưởng ưu tiên cho con trai học cao hơn con gái. Chị nói: “Tôi cũng từng ưu tiên chăm sóc chuyện học hành cho con trai nhiều hơn. Sau này, khi được tuyên truyền về BĐG, tôi mới biết đó là suy nghĩ sai lệch”. Hiện nay chị Bích Ngọc rất tích cực tham gia tuyên truyền Luật BĐG trong hội phụ nữ và trong cộng đồng dân cư.

Nam giới thờ ơ với truyền thông bình đẳng giới

Phụ nữ đóng góp 110 triệu giờ không lương/ngày

Phụ nữ Việt nam ở độ tuổi lao động mỗi ngày dành ra khoảng năm tiếng để làm việc nhà, nhiều hơn nam giới hai giờ. Trong khi đó nam giới được ưu tiên nghỉ ngơi, học hành. Nếu tính mỗi người làm năm giờ công việc không được trả lương thì phụ nữ Việt Nam đóng góp tới 110 triệu giờ mỗi ngày cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, những công việc không lương lại không được đánh giá cao.

(Theo nghiên cứu được thực hiện trên chín tỉnh/TP từ tháng 1 đến tháng 6-2016, do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức ActionAid Vietnam công bố) 

Theo các đại biểu dự hội thảo, nữ giới ngày càng tham gia tích cực vào truyền thông BĐG nhưng nam giới vẫn rất thờ ơ. Chị Hoàng Thị Thanh Thúy, đại biểu HĐND xã Tân Hiệp, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết địa phương đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về BĐG nhưng hầu hết chỉ có phụ nữ tham dự, nam giới dù được mời cũng ít tham gia. Chị Thanh Thúy nói: “Nếu chỉ có các chị em mình nói với nhau, nghe với nhau, mấy ổng không nghe thì làm sao thay đổi được”. ThS Lê Thị Thanh Tâm đồng tình: “Chỉ một mình nữ giới thực hiện sẽ rất khó cho việc bình quyền”.

Chị Lê Thị Kiểu, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, cho rằng nhiều nơi không có kế hoạch đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ nữ. Ngay cả người dân cũng bày tỏ tin tưởng năng lực của phụ nữ nhưng… không lựa chọn, bởi vì “nữ giới làm lãnh đạo có khi không toàn tâm toàn ý được bởi còn gánh nặng gia đình”. Người dân, đặc biệt là nam giới, vẫn luôn đòi hỏi tiêu chuẩn kép ở phụ nữ là “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Một nam SV năm hai khi trả lời phỏng vấn đối với ThS Hồng Lan, ĐH Thủ Dầu Một, cũng bày tỏ: “Tụi em là con trai mà làm mấy việc của mấy bạn nữ thì kỳ kỳ, mấy bạn làm được thì tụi em không làm”. Chính các SV cũng ưu tiên bầu lớp trưởng và các chức danh lãnh đạo là nam giới.

Bà TRẦN THỊ KIM THANH, Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH:

Linh hoạt tuyên truyền bình đẳng giới cho nam giới

Nếu nam giới không chịu đi nghe các buổi tuyên truyền thì chúng ta có thể thay đổi hình thức khác, ví dụ như phát tờ rơi hay lồng ghép nội dung BĐG vào các buổi hội họp có đông nam giới tham gia. Những người làm công tác BĐG như chúng ta cần linh hoạt hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.