Đạo đức kinh doanh

Được chào mời, săn đón như thượng khách, nhiều người cảm thấy áy náy nếu vào cửa hàng chỉ coi chơi mà chẳng mua gì, mặc dù nhân viên bán hàng vẫn đon đả “mời cô chú/ anh chị cứ xem tự nhiên”. Thậm chí chỉ coi chơi chẳng mua gì vẫn được cám ơn rối rít “lần sau mời cô chú/ anh chị đến xem hàng nhé”.

Ấy là văn hóa doanh nghiệp thời kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt.Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân mà cả nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng thay đổi, tạo dựng văn hóa doanh nghiệp để thu hút khách hàng. Hai năm trước, chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ thị cán bộ, nhân viên trong ngành của ông phải học tậpbốn xin: xin lỗi, xin phép… và bốn luôn: luôn mỉm cười, luôn lễ phép… Không biết có bao nhiêu phần trăm cán bộ, nhân viên ngành GTVT nghe và thực hành theo sự chỉ đạo của ông bộ trưởng?

Văn hóa doanh nghiệp là bề nổi. Đạo đức kinh doanh là mặt chìm của kinh doanh. Có những doanh nghiệp thành công cả về lợi nhuận lẫn danh tiếng suốt một thời gian dài nhờ cả vào văn hóa và đạo đức kinh doanh. Có những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới chỉ cần có một thông tin không hay về sản phẩm của họ, họ liền cử nhân viên liên hệ khách hàng xin lỗi, thu đổi hay bồi thường ngay cho khách hàng. Như Toyota, Honda đã từng thu hồi, sửa chữa hàng triệu xe miễn phí cho khách hàng khi phát hiện có sai sót. Ở Việt Nam bây giờ - tôi nhấn mạnh, bởi trước kia ít có chuyện này xảy ra - nếu có sản phẩm bị phát hiện sai sót, doanh nghiệp tìm cách làm lơ, coi như không biết tại sao, hoặc “dìm” thông tin, âm thầm thương lượng và có khi dùng cả những biện pháp thô bạo để chặn đứng thông tin không cho lọt ra ngoài. Vì vậy mới có chuyện một vài cây bút chuyên viết tin thị trường thiếu tư cách đi moi móc những sản phẩm sai sót đem đến hù dọa làm tiền doanh nghiệp.

Tôi xin nêu một chuyện liên quan tới đạo đức kinh doanh: Chiếc máy vi tính của tôi bỗng nhiên bị nhiễm virus trầm trọng, tôi phải cầu cứu một “bác sĩ máy tính” trẻ đến chữa bệnh mất hết mấy trăm ngàn. Tôi nêu thắc mắc là tôi dùng máy kỹ quá sao lại dính virus. Cậu chuyên viên này cho biết có công ty chuyên bán phần mềm diệt virus (cậu có cho biết tên nhưng tôi không tiện nêu) nhập phần mềm nước ngoài về nhưng không bán được, vì phần đông người Việt Nam ta chỉ thích dùng “chùa” nên công ty này phải lập trình một số virus tung lên mạng làm lây nhiễm các máy mục đích để bán sản phẩm độc quyền!!! Kinh doanh kiểu này là vô đạo đức, không khác việc tạo nạc thịt heo bằng hóa chất độc hại, bơm thuốc tăng trưởng độc hại cho mầm cây, rau trái… - những vụ việc đã và đang được các cơ quan chức năng xử lý.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm