Đào tạo 50 luật sư để 'xử' doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm

Đó là khẳng định của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại hội nghị liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), diễn ra ngày 12-4 tại Đà Nẵng.

Không cần người lao động ủy quyền

Theo ông Hiểu, các Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự đang có độ “vênh” trong quy định khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH người lao động. Trong đó, có luật quy định công đoàn cơ sở thực hiện việc khởi kiện, có nơi quy định chung là công đoàn. Hoặc có luật xem đây là tranh chấp về quyền nên phải chứng minh có tranh chấp về BHXH giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động…

Trong bối cảnh đó, ông Hiểu cho rằng về nguyên tắc khi các luật có độ “vênh” cần áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, còn một số cách hiểu khác nhau nên TAND không thụ lý.

Hội nghị giải đáp nhiều câu hỏi của các phóng viên.

“Như TAND yêu cầu phải có ủy quyền. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định theo quy định của Hiến pháp, công đoàn đương nhiên là đại diện cho người lao động, không cần giấy ủy quyền, đặc biệt đây là hành vi pháp luật cấm, xâm phạm đến quyền người lao động... Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục ủy quyền hết sức rườm rà, khó khăn, rủi ro cho công đoàn cấp cơ sở khi họ đang được chủ doanh nghiệp trả lương…”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Trước bất cập trên, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết đã làm việc với TAND tối cao. Trong đó, ngành tòa án cho rằng nếu tòa án thụ lý thì Viện kiểm sát Nhân dân sẽ kháng nghị, bởi pháp luật chưa rõ ràng. Nếu TAND thụ lý thì không giải quyết được. Như vậy, đến này các kiến nghị của công đoàn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

“Nhưng một tín hiệu tích cực ở đây là nhiều vụ việc khi đại diện công đoàn có đơn chuyển cho TAND, ngay lập tức doanh nghiệp thực hiện nộp các khoản bảo hiểm cho người lao động. Cụ thể, vừa qua, đơn vị chuyển 39 hồ sơ sang TAND, lập tức doanh nghiệp nộp 1.000 tỉ đồng các khoản bảo hiểm cho người lao động”, ông Hiểu nói.

Để luật không còn độ “vênh”, ông Hiểu cho rằng cần một quá trình dài để sửa luật cho đồng bộ. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người lao động, hiện nay đơn vị đang đào tạo đội ngũ luật sư. Theo kế hoạch, đến năm 2023, có ít nhất 50 luật sư.

“Chúng tôi tin rằng với chất lượng luật sư được đào tạo bài bản kèm với sự giúp sức của tổ tư vấn cũng như quy định giao thẩm quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên thì công đoàn hoàn toàn có thể khởi kiện đòi quyền lợi cho người lao động, và đảm bảo được sự “an toàn” cho công đoàn cơ sở”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Tòa chuyển tội danh

Trong khi đó, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết tính đến 31-3, bảo hiểm xã hội chuyển 150 hồ sơ vụ việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan điều tra. Trong đó, riêng cuối năm 2018 là 45 vụ, 3 tháng đầu năm 2019 là 105 vụ.

Ông Đào Việt Ánh chỉ ra một số bất cập trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH.

Hiện tại, trong số 45 vụ án của năm 2018 đã khởi tố hai vụ, tuy nhiên ông Đào Việt Anh cho biết khi cơ quan điều tra khởi tố thì chuyển sang tội danh khác như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không khởi tố theo Điều 216 Bộ Luật Tố tụng hình sự về vi phạm trong hành vi trốn đóng, chiếm đoạt bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, một vụ việc ngay khi hồ sơ được chuyển cơ quan điều tra thì doanh nghiệp nợ khắc phục ngay hậu quả, thực hiện trả lại tiền nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ông Đào Việt Ánh cũng chỉ ra một khó khăn trong xử lý các vụ việc nợ bảo hiểm xã hội: “Trong năm 2018, có 10 vụ việc sau khi cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì TAND đề nghị không khởi tố, xử lý quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2016 vì hành vi trốn đóng xảy ra trước khi luật có hiệu lực”, ông Ánh giải thích.

           Bị giám sát, nhiều doanh nghiệp đến nộp tiền

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tình trạng các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến. Trong đó, nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH.

Đơn cử, năm 2017 tại năm địa phương được đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỉ đồng. Có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1 – 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỉ đồng.

Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỉ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các doanh nghiệp khắc phục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm