Đặt tiền vào tay thánh thần là hối lộ thô thiển

“Thánh thần trong sáng tuyệt đối. Cho nên đem tiền giúi vào tay thánh thần hay để lên bàn thờ là một sự hối lộ thô thiển của thế gian áp đặt lên thánh thần” - nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền nói như trên khi chứng kiến hình ảnh của các lễ hội đang diễn ra khắp nơi.

Cướp lộc với tư tưởng hèn kém

. Phóng viên: Thưa ông, hình ảnh quen thuộc của mỗi mùa lễ hội đó chính là cảnh tranh cướp, lộn xộn…

+ Ông Trần Lâm Biền: Đó chính là sự biến tướng theo thời gian và hiểu không đúng bản chất của lễ hội.

Sự lộn xộn và tranh cướp ở lễ hội phải trong trật tự của đất trời. Trong phần lễ, người ta muốn nói với trời đất rằng đến nay, giờ này sự hỗn mang không còn nữa. Xin trời đất hãy vì con người mà đưa mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để con người được hưởng hạnh phúc. Có nghĩa rằng trật tự ấy để tiến tới quy luật thuận hòa của tự nhiên và xã hội chứ không phải trật tự ấy chỉ là một cái hình thức của lễ hội cho vui.

Nếu nghĩ được như thế, con người sẽ chỉ tranh cướp giả vờ. Nó là một nghi thức chứ không phải như nhận thức hiện nay tranh giành cho được. Việc giành lấy bằng mọi giá cho thấy tư tưởng quá hèn kém.

. Theo ông, sai lầm đó có thể dẫn đến điều gì?

+ Cái mất trật tự giả vờ kia là nhắc nhở với trời đất, còn sự mất trật tự hiện nay do không hiểu biết và mang tính chất cá nhân. Hai cái đó khác nhau rất xa một trời một vực. Các cụ ta dạy rằng “phi trí bất hưng”, mà không có trí tuệ thì không có tâm trong sáng, không có trí tuệ chỉ nghĩ đến cái tâm thì cái tâm đó nhiều khi mù quáng, dẫn đến mê tín dị đoan và dẫn đến các hành động sai trái. Nhìn nhận sai lầm sẽ dẫn đến ứng xử sai trái.

Tiền lẻ rải kín giếng Mắt Rồng tại đền Kiếp Bạc (Hải Dương). Ảnh: NHẪN NAM

. Còn một hình ảnh quen thuộc nữa đó là việc đốt vàng mã, ông có thể nói rõ thêm về hành vi này?

+ Đồ mã là để thay thế cái thật, hình nhân thế mạng. Tất cả đồ mã ấy một thời là tiến bộ nhưng khi kinh tế phát triển, đặc biệt khi kinh tế đô thị phát triển, đồ mã coi như là của cải thay thế của cải thật cho người chết. Đồ mã ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đặc biệt với nhận thức “tốt lễ dễ kêu” rồi “trần sao âm vậy” nên càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nói như thế là để che đậy cái sai lầm, cái mê tín dị đoan, còn thực tế không có như vậy.

. Thực tế khác theo ông là gì?

+ Bởi vì âm như thế nào người chết có ai nói đâu, người sống thì chưa chết, làm sao biết được “trần sao âm vậy”. Đồ mã chẳng qua là biểu hiện lòng hiếu kính của con người đối với những kiếp đời đã qua. Và dừng ở đấy thì đồ mã tốt đẹp, còn làm để khoe mẽ với đời, để tỏ ra ta hơn người thì đó là đồ mã trườn dài trên tiêu cực, trườn dài lên tất cả nhận thức về vũ trụ và nhân sinh.

Đồ mã làm theo tư duy, cách nghĩ của người trần gian chỉ là một sự thô thiển và đánh lừa người thế gian chứ không phải để cho những kiếp đời đã qua.

Hối lộ thần linh

. Vậy còn việc người đi lễ ném tiền lẻ, giúi tiền vào tay tượng Phật… thì sao, thưa ông?

+ Đem tiền lẻ giúi vào tay thần linh là một hành động khinh thường tổ tiên và thánh thần, coi thánh thần là một thế lực hơi bần tiện và chỉ được tiêu những tiền lẻ như thế chứ còn tiền to là của thế gian. Đó là một hành động không được tốt đẹp, không hề tỏ ra kính trọng.

. Ông có thể giải thích rõ hơn tại sao hành vi đó lại được cho là không kính trọng thánh thần?

+ Đem tiền giúi vào tay thánh thần hay để lên bàn thờ là tội lỗi chứ không phải cầu phúc. Bàn thờ là biểu hiện của tầng trời, mà tầng trời thì phải trong sáng. Đồ lễ của chúng ta dâng lên thánh thần biểu hiện lòng thành kính, ném tiền, giúi tiền là tầm thường hóa thần linh.

Gắng sống tu tâm, năng làm việc thiện

Nhiều người luôn tin rằng đi lễ và “cướp lộc” là một phần không thể thiếu của việc thực hành nghi lễ tôn giáo nhưng điều đó là hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì chúng ta nhận về chỉ là “quả” của một nhân duyên đã gieo từ trước đó.

Nếu sống tu tâm, hài hòa với môi trường và xã hội, năng làm việc thiện, nói lời hay lẽ phải thì đương nhiên con người sẽ nhận về những thành quả đẹp mà không cần phải lao đi cướp lộc ở các đền, chùa. Nếu cứ mê muội tin vào chuyện cướp lộc để có điều may thì e rằng thần linh cũng sẽ bỏ loài người mà đi.

Chúng ta không chống các thần linh, cũng không chống lại niềm tin vào thần linh. Chúng ta chỉ chống và phê phán những người nào lạm dụng thần linh khiến người dân có niềm tin sai lạc và khêu gợi sự mê muội. Đó cũng là trách nhiệm của mọi trí thức.

TS NGUYỄN QUỐC TUẤN,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo

Lễ hội đã có nhiều tiến bộ

Cần phải nhìn nhận rằng lễ hội năm nay đã có nhiều tiến bộ. Chính quyền các địa phương đã quan tâm hơn, nhiều tỉnh có nghị quyết để chỉ đạo cho công tác quản lý lễ hội. Các ban quản lý lễ hội qua nhiều năm đến nay thể hiện tính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn khuyết điểm cụ thể như chọi trâu không giấy phép ở Tuyên Quang, hành vi tung lộc ở chùa Hương, hay như lễ hội có treo trâu, chúng tôi đã quyết liệt yêu cầu bỏ và giám sát chặt. Tới đây còn một số lễ hội chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và có sự điều chỉnh với những lễ hội có biểu hiện không phù hợp.

Ông VŨ XUÂN THÀNH, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm