Đau đầu vì karaoke biến tướng

Ngày 7-4, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan liên quan giải trình về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hậu kiểm đối với các ngành, nghề dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Phạt nhiều lần nhưng không rút được giấy phép

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến băn khoăn về việc một cơ sở tại một địa điểm được cấp giấy phép nhiều lần nhằm tránh né việc xử phạt của cơ quan chức năng. Đáng nói, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm gây bức xúc không chỉ cơ quan chức năng mà cả dư luận quần chúng.

Ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết đoàn kiểm tra liên ngành rất bức xúc khi đi kiểm tra các cơ sở. Nhiều doanh nghiệp vi phạm nhiều lần nhưng không có biện pháp xử lý triệt để.

“Chủ doanh nghiệp luôn tìm cách tránh né biện pháp xử phạt. Một điểm có 3-4 giấy phép cùng nội dung kinh doanh. Hôm nay là phạt với tư cách hộ kinh doanh nhưng lần hai, lần ba là doanh nghiệp khác” - ông Quý nói.

Trao đổi với các đại biểu, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP, thông tin luật quy định doanh nghiệp đủ các điều kiện quy định thì phải cấp phép. Ông Anh nhìn nhận cơ chế phối kết hợp thông tin từ dưới quận, huyện và Sở hiện còn lỏng lẻo. Ông cho rằng giấy phép kinh doanh cũng như giấy khai sinh, xu hướng đặt ra là phải tăng cường hậu kiểm, cần phân biệt cấp đăng ký hộ kinh doanh là quận, huyện và doanh nghiệp là Sở.

Ông Anh đề nghị các quận, huyện thông tin các cơ sở vi phạm dưới địa phương để Sở dựa vào đó cân nhắc cấp phép. Về lâu về dài cần có hệ thống thông tin, chỉ cần năm giây là biết doanh nghiệp đó dưới địa phương từng vi phạm gì. Về việc một cơ sở, địa điểm bị xử phạt nhiều lần nhưng không rút được giấy phép, ông Anh cho biết đã từng kiến nghị và bị Sở Tư pháp, Sở Tài chính tuýt còi và đã chuyển UBND TP báo cáo Bộ xem xét kiến nghị sửa luật.

Hiện có nhiều điểm kinh doanh karaoke núp bóng phòng thu âm. Ảnh minh họa: HTD

Karaoke núp bóng thu âm

Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến lo ngại ngành kinh doanh karaoke đã bị ngưng cấp phép từ lâu nhưng vẫn có các hoạt động khác như thu âm trên nền nhạc karaoke, cơ sở lưu trú một sao được kinh doanh karaoke.

“Họ cũng đến hát, thu lại cũng có đĩa nhưng đi vào toàn là hát karaoke và cả bán bia nữa” - đại biểu Hồng Hà ý kiến. Từ đó, đại biểu đề nghị sớm có quy hoạch cụ thể ngành nghề này sao cho vẫn đáp ứng nhu cầu mà vẫn quản lý tốt được.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, đề nghị thời gian tới các cơ quan tăng cường trao đổi thông tin, phân cấp kiểm tra để không trùng lặp đối tượng thanh kiểm tra, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp; không làm phát sinh thủ tục hành chính đối với hộ kinh doanh bình thường. Đồng thời, Ban Văn hóa-Xã hội cũng sẽ tăng cường giám sát trong thời gian tới.

Hoạt động karaoke không có giấy phép dưới hình thức các cơ sở ghi âm, thu âm trên nền nhạc karaoke; kinh doanh karaoke bằng máy trò chơi điện tử tại các siêu thị, trung tâm thương mại… ngày càng phổ biến. Một trong những nguyên nhân là do xử lý hình sự đối với hành vi “kinh doanh trái phép” theo Điều 159 Bộ luật Hình sự rất khó khăn vì pháp luật chỉ quy định xử lý hình sự đối với cá nhân, trong khi đó các cơ sở này là tổ chức vi phạm, thường xuyên thay đổi người đứng đầu tổ chức. Bộ luật Hình sự 2015 (đang chờ chỉnh sửa lại) cũng bỏ luôn tội danh này.

(Báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm