Đi khám HIV ở nơi ‘kín đáo’

Bác sĩ (BS) Nguyễn Anh Thuận, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Carmah, đã lắng nghe, động viên D. nói rõ về tình trạng của mình. Cách đây 15 ngày, một khách nam đã đề nghị mua dâm với số tiền khá lớn với yêu cầu không được sử dụng bao cao su, D. đã nhận lời. Bình thường, khách hàng (cả nam và nữ) vẫn đề nghị mua dâm không dùng bao và D. thường tìm lý do để từ chối. Nhưng lần này, khi khách trả số tiền lớn, D. đã đồng ý vì đang rất cần tiền phụ giúp gia đình.

Cách đây bảy năm, D. từ quê lên TP.HCM chật vật xin việc nhưng không ai nhận vì trình độ của D. chỉ tới lớp 5. Được một người giới thiệu đi học nghề massage, D. mừng quá nên vừa học vừa chấp nhận bán dâm để có tiền trụ lại TP. Sau đó, các tình nguyện viên của Trung tâm Carmah đã tiếp cận điểm massage nơi D. đang làm việc, tư vấn và giới thiệu địa điểm cho những ai có nhu cầu xét nghiệm, điều trị HIV. Kể từ đó đến nay, D. thường xuyên đến trung tâm để được khám và tư vấn miễn phí. “Hồi trước tôi có đến bệnh viện công để xét nghiệm nhưng mà hồi hộp quá. Tôi sợ gặp người quen hoặc gặp khách hàng ở đó thì khó ăn nói lắm” - D. tâm sự.

D. được BS Nguyễn Anh Thuận (ngồi đối diện) và một tư vấn viên khám bệnh, tư vấn. Ảnh: HỒNG MINH

BS Thuận cho biết khách hàng mục tiêu của Trung tâm Carmah là nhóm nam đồng tính, người lưỡng tính và người chuyển giới. Các nhân viên làm việc tại Trung tâm Carmah dễ dàng tiếp cận nhóm thiểu số này bởi họ cũng là người thuộc cộng đồng LGBT. Những hoạt động thăm khám, xét nghiệm, tư vấn của trung tâm đều đang được tài trợ nên người sử dụng dịch vụ không phải trả phí. Mỗi tháng có khoảng 100 khách hàng mới đến khám và xin tư vấn, trong đó khoảng 5%-7% bị phát hiện nhiễm HIV. “Đó là một tỉ lệ khá cao. Trong cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới, các hoạt động tình dục thiếu an toàn mang lại nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn hẳn các nhóm khác. Có những thiếu niên đồng tính trải nghiệm hoạt động tình dục lần đầu tiên đã bị dính HIV. Tôi cho rằng cần thay đổi cách truyền thông để mọi người chủ động phòng ngừa tốt hơn, để người bệnh đi khám được thoải mái hơn, không phải sợ hãi bị kỳ thị” - BS Thuận chia sẻ.

Cũng theo BS Thuận, một vài khách quen thuộc ở đây là những người nổi tiếng, có địa vị trong xã hội. Họ cho biết nguy cơ của họ đến từ việc xăm mình hoặc làm móng. Khi biết kết quả bị nhiễm HIV, một người nổi tiếng đã rất hoảng loạn, thậm chí định tự tử. Sau khi được tư vấn, người này đã theo đuổi điều trị và sống khỏe mạnh, tích cực, vui vẻ như nhiều người khác.

Cùng ngày, Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế đến thăm Trung tâm Carmah để trao đổi kinh nghiệm, đồng thời chúc mừng những thành tích mà trung tâm đạt được trong hoạt động cộng đồng bảo vệ quyền lợi những nhóm yếu thế có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm