Dịch COVID-19: 82 ca mới, có ca tử vong đầu tiên

Chiều 31-7, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Vẫn chưa xác định được nguồn lây

Thông tin về trường hợp nhiễm COVID-19 tử vong đầu tiên tại Việt Nam - bệnh nhân (BN) 428, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long, cho biết đây là trường hợp BN rất nặng, cao tuổi, nhiều bệnh lý nền.

BN đã được hội chẩn nhiều lần của Tiểu ban điều trị và các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm; được BV Đà Nẵng, BV Trung ương Huế điều trị, hồi sức tích cực, cấp cứu liên tục.

Thậm chí, Bộ Y tế đã cử GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, chuyên gia đầu ngành tim mạch, vào trực tiếp điều trị nhưng vẫn không cứu được.

Ông Long cũng cho biết hiện TP Đà Nẵng còn một số trường hợp rất nặng. Diễn biến dịch bệnh tại đây tương đối phức tạp vì vẫn chưa xác định được nguồn lây. Dù vậy, đa số ca phát hiện đều thuộc cụm bệnh viện ở Đà Nẵng, một vài ca khác đang điều tra nguồn gốc lây nhiễm.

Quyền bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu phát hiện ca nhiễm mới, bộ này đã chỉ đạo rất sát sao, tập trung phương tiện, trang thiết bị, điều động những lực lượng tốt nhất vào Đà Nẵng.

Hiện nay Bộ Y tế nâng công suất xét nghiệm tại Đà Nẵng lên 10.000 mẫu/ngày. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các chuyên gia giỏi nhất đã vào địa phương này để phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch...

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng tập trung tại một địa điểm cố định, được kiểm tra thân nhiệt và có xe đưa đón vào trong khu phong tỏa ở bệnh viện. Ảnh: BÙI TOÀN

Sẵn sàng trạng thái bình thường mới

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định ưu tiên cao nhất hiện nay là tiếp tục thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, các ngành, tập trung khoanh gọn, dập thật sớm ổ dịch ở Đà Nẵng.

Những ngày qua, Việt Nam đã dùng các biện pháp rất mạnh, Bộ Y tế đã lập tổ công tác đặc biệt, tăng cường rất nhiều chuyên gia, huy động các lực lượng công an, quốc phòng cùng vào cuộc dập dịch. Đến nay, về cơ bản các ca bệnh được phát hiện đều liên quan đến khu ba bệnh viện ở Đà Nẵng nhưng không được chủ quan.

Phó Thủ tướng đề cập tới tình hình dịch bệnh bên ngoài thế giới đang rất phức tạp, trong 24 tiếng đồng hồ ghi nhận trên 200.000 ca nhiễm mới.

“Các nước đều tăng nhanh cả về ca nhiễm và số tử vong. Do vậy, chúng ta không thể nào ở trạng thái bình thường mà nhất định phải bình thường mới. Ban chỉ đạo thống nhất trình Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo để sẵn sàng trong trạng thái bình thường mới khi có sự cố như Đà Nẵng” - Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường lực lượng phòng, chống dịch cho Đà Nẵng, đồng thời phải chỉ đạo quyết liệt hệ thống bệnh viện thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đây về tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ, đúng với ý nghĩa y tế là tuyến đầu, luôn sẵn sàng cao độ, đặc biệt là những khoa điều trị bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền.

Đề xuất TP.HCM giãn cách xã hội

Chiều cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM đã họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Tại cuộc họp, căn cứ mức nguy cơ dịch bệnh hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất UBND TP chỉ đạo triển khai tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng đối với tỉnh, TP thuộc nhóm có nguy cơ.

Cụ thể, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc.

4 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi

Sáng 31-7, bốn ca nhiễm COVID-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương được Bộ Y tế công bố khỏi bệnh.

Những người này gồm: BN 356 (nam, 42 tuổi, quốc tịch Việt Nam), BN 359 (nam, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam), BN 383 (nam, 40 tuổi, quốc tịch Myanmar) và BN 413 (nam, 31 tuổi, quốc tịch Myanmar). 

Để phòng chống dịch, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan sẽ theo dõi sát diễn biến dịch, tiếp tục thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như đeo khẩu trang ở những nơi đông người, vệ sinh tay.

Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Công an TP và Sở Y tế tổ chức giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các bến xe, các hãng xe có tuyến hành khách từ các tỉnh, thành có ca bệnh, lưu ý các phương tiện từ Đà Nẵng vào TP.HCM.

TP.HCM cũng sẽ tiếp tục giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra đối với người đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 đang cư trú, lưu trú tại TP.HCM, đặc biệt những người đi qua 20 điểm dịch tại Đà Nẵng theo thông báo của Bộ Y tế.

TP cũng sẽ triển khai khu cách ly tập trung của TP tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cũ (300 giường), BV Điều trị COVID-19 Cần Giờ (300 giường) để cách ly tập trung người từ Đà Nẵng về TP.HCM, có đi qua các điểm dịch đã được Bộ Y tế thông báo. Sẵn sàng các khu vực cách ly tạm thời, khu cách ly điều trị trong cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo năng lực tiếp nhận người nghi ngờ mắc bệnh.

Các BV dã chiến Củ Chi, Nhi đồng TP, Bệnh nhiệt đới, Ung bướu - Cơ sở 2 đã sẵn sàng tiếp nhận người bệnh xác định, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát và cách ly người nhập cảnh. Xử lý nghiêm những đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào TP.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở/ban ngành, quận/huyện, phường/xã/thị trấn và người dân trên địa bàn TP tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nhất là trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19; phát huy nội lực, huy động sức mạnh của toàn TP để phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Ông Liêm cũng yêu cầu các quận/huyện, sở/ngành phải chủ động các phương án ứng phó tình huống có trường hợp dương tính với dịch bệnh theo phương án năm tại chỗ. Những địa phương đã có ca bệnh trong đợt dịch trước cần phát huy những kinh nghiệm sẵn có để làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Thêm 82 ca nhiễm mới

Chiều 31-7, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 37 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 26 ca nhập cảnh được cách ly ngay, ba ca tại TP.HCM và tám ca tại Quảng Nam.

Ca bệnh 510: BN nữ, 57 tuổi, ở phường 12, quận 10, TP.HCM; ca bệnh 511-516: Các BN có quốc tịch Việt Nam, là các thuyền viên tàu chở gas; ca bệnh 517: BN nữ, 55 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi. Từ ngày 23-7, BN về nhà con gái tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; ca bệnh 518: BN nữ, 61 tuổi, ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM; ca bệnh 519: BN nam, 40 tuổi, Hội An, Quảng Nam; ca bệnh 520: BN nữ, 51 tuổi, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam; ca bệnh 521: BN nam, 15 tuổi, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam; ca bệnh 522: BN nam, 67 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam; ca bệnh 523: BN nữ, 63 tuổi, Thăng Bình, Quảng Nam; ca bệnh 524: BN nữ, 86 tuổi, Duy Xuyên, Quảng Nam; ca bệnh 525: BN nam, 90 tuổi, Duy Xuyên, Quảng Nam; ca bệnh 526: BN nam, 50 tuổi, Duy Xuyên, Quảng Nam; ca bệnh 527-546: Các BN liên quan đến chuyến bay VN6 từ Guinea Xích Đạo về sân bay Nội Bài lúc 15 giờ ngày 29-7.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Y tế thông báo về 45 ca COVID-19 mới, tất cả đều ở Đà Nẵng. 45 BN có độ tuổi 27-87, trong đó có 33 trường hợp tại BV Đà Nẵng, bốn trường hợp tại BV Phổi Đà Nẵng, hai trường hợp tại BV Ung bướu Đà Nẵng, bốn trường hợp tại khách sạn thu dung cách ly BN thận nhân tạo của BV Đà Nẵng - quận Sơn Trà, hai trường hợp tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm