NHỨC NHỐI NẠN “ĐÓNG HỤI CHẾT” CHO CSGT TRÊN QL20 - BÀI 2

Điệp khúc: “Sếp ơi, cho em gửi tháng!”

Trên số báo trước, chúng tôi phản ánh chuyện than vãn của giới tài xế xe tải vì họ bị gần chục trạm, chốt CSGT trên QL20 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng “ăn tiền”. có người chịu không thấu phải bán cả xe. Tài xế C. còn “chơi xỏ” CSGT, “đóng hụi chết” bằng tiền… âm phủ.

Vào tận nơi làm việc của CSGT ở các chốt, trạm, chúng tôi ngỡ ngàng vì các CSGT coi việc các tài xế xe tải “đóng hụi chết” cho mình là điều đương nhiên.

“Họ chịu nhận tiền là may!”

Ngày 15-10, theo chân tài xế H., chuyên chở hàng từ TP.HCM lên Đà Lạt, chúng tôi tiếp cận một loạt các điểm thu “hụi chết” mà giới tài xế xe tải tuyến đường này phải ngoan ngoãn đóng tiền.

Trên xe, tài xế H. nói: “Xe của tôi chung định kỳ vào giữa tháng và việc chung tiền phải đúng ngày. Có tháng lỡ chuyến hàng tôi không chung kịp, lập tức bị ăn biên bản ngay”.

Sáng 15-10, khi vừa đến địa phận tỉnh Lâm Đồng, H. nhắc tôi: “Ông chuẩn bị máy quay đi, vô địa phận Lâm Đồng có nhiều chốt, trạm phải chung, ông chuẩn bị không kịp đâu”. Khi chúng tôi loay hoay chuẩn bị dụng cụ tác nghiệp, người tài xế lâu năm này bồi thêm: “Ông đừng bất ngờ, tụi tui đóng riết quen rồi, cũng may là tôi chung tháng được chứ họ mà chê, mình chịu không nổi việc bị lập biên bản của mấy ổng đâu!”.

Điệp khúc: “Sếp ơi, cho em gửi tháng!” ảnh 1

Cảnh nhận phong bì của một CSGT tại chốt kiểm soát giao thông Madagui.

10 giờ 10 ngày 15-10, chúng tôi đến chốt kiểm soát giao thông Madagui giáp ranh với địa phận tỉnh Đồng Nai, H. móc dưới ghế ra một xấp phong bì lấy ra một cái rồi ghi biển số xe bên ngoài, xong H. nhét vào đó 500.000 đồng. Chuẩn bị xong, H. đưa cho phụ xe tên M. giữ. Khi đến sát chốt kiểm soát giao thông này, H. dừng xe. Như một thói quen lặp đi lặp lại, M. mở cửa xe, chạy nhanh vào trạm. Sau khi lọt vào sau cánh cổng cơ quan này, M. xăm xăm tiến thẳng vào phòng làm việc của chốt này mà không cần phải hỏi thăm người nào. Lúc này có một CSGT đang ngồi ở phòng làm việc. M. tiến thẳng lại nói cụt lủn: “Sếp ơi, cho em gửi tháng”. CSGT này nhanh tay lấy bì thư từ tay M. rồi đưa xuống gầm bàn mở ra đếm. Vừa đếm tiền CSGT này vừa hỏi: “Xe mấy tấn?”. “Dạ năm tấn” - M. đáp rồi quay ra xe, tiếp tục cuộc hành trình.

Trạm nào cũng phải chi

M. gọi:

- Sếp ơi!

Một CSGT ngồi trước màn hình máy tính nhìn ra hỏi:

- Gì đấy?

- Cho em gửi.

- Vào đây.

M. đi nhanh vào phòng làm việc,  CSGT hỏi:

- Xe nào đây? Chở gì đấy?

- Dạ, xe chở hàng từ Sài Gòn lên.

Sau khi đưa phong bì, M. nói:

- Em cảm ơn sếp!

Xong việc, M. chạy ù ra xe.

Hướng về Đà Lạt, 11 giờ 35, chiếc xe tải do H. điều khiển dừng chân giữa đèo Bảo Lộc để tiếp tục thực hiện “nghĩa vụ đóng hụi” cho Trạm kiểm soát giao thông 320.

Tại trạm này, H. cũng chuẩn bị phong bì, bỏ vào đó 500.000 đồng và không quên ghi biển số xe bên ngoài. Lần này, phụ xe M. xăm xăm vào trong và la lớn: “Sếp ơi!”. Một CSGT vừa nhận phong bì vừa hỏi: “Xe gì đây?”. Sau khi kiểm tra phong bì thấy số tiền phù hợp với “xe năm tấn” mà M. trả lời, vị thiếu úy CSGT nhét phong bì vào túi quần rồi quay đi.

14 giờ 5 phút, sau bữa cơm trưa ở thị trấn Di Linh, chúng tôi đến chốt kiểm soát giao thông Phú Hiệp (địa bàn huyện Di Linh). vẫn bài cũ nhưng lần này H. nhét vào phong bì 400.000 đồng cho người phụ xe đi “làm luật”. Lúc này, trạm vẫn đang đóng cửa nên phụ xe phải gọi to: “Sếp ơi!”. Gọi đến lần thứ ba, từ trên lầu vọng xuống một tiếng “ơi” rõ to không kém. Chưa đầy 1 phút sau, một CSGT mặc đồ ngành hé cửa, nhận phong bì rồi trở nhanh vào trong mà không nói tiếng nào.

Ra đến xe, phụ xe M. nói: “Trong các chốt, chỉ có chốt này là hiền nhất vì chịu lấy 400.000 đồng chứ mấy chỗ khác mà đưa bấy nhiêu sẽ bị nhắc nhở ngay”.

Tiếp xúc với phóng viên, hầu hết giới tài xế xe tải chở hàng ở Lâm Đồng đều dè dặt vì “lỡ CSGT mà biết làm nội gián cho phóng viên thì chỉ có nước bán xe đi làm việc khác”. Theo một tài xế, nếu muốn theo xe tải để chứng kiến CSGT nhận tiền thì một số xe tải ở TP.HCM chịu giúp chứ xe ở Lâm Đồng “có cho tiền cũng không dám” vì vào mùa, cánh xe tải từ TP.HCM mới lên Lâm Đồng chở thuê, chung tháng cho CSGT. Bình thường họ không chạy tuyến này nên họ không sợ các chốt CSGT ở quốc lộ này “đập”…

“Bắt quả tang CSGT nhận tiền là tước ngay quân tịch, đuổi về nhà chớ không khiển trách chi hết.”

Ông NGUYỄN BÁ THANH, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, phát biểu chiều 6-12-2012, tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng

Không phải đến bây giờ mới có câu chuyện tiêu cực của CSGT mà việc này đã xảy ra từ mấy năm nay. Do đó, ngành công an đã thực hiện các cuộc vận động như Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ...,tổ chức nhiều lớp tập huấn về tác phong, nhiệm vụ, nhất là với những lực lượng cảnh sát thường xuyên tiếp xúc với nhân dân như cảnh sát hành chính, CSGT…

Trung tướng LÊ NGỌC NAM, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an, nói với báo chí vào cuối năm 2011

VÕ TÙNG - DUY ĐÔNG

Kỳ sau: Trả lại tiền vì chung không đủ theo “luật”

Các CSGT ở các chốt, trạm kiểm soát giao thông trên quốc lộ 20 cũng biết từ chối tiền “hụi chết” của tài xế xe tải. Nhưng đó là khi số tiền… không đủ theo luật ngầm

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm