Định kiến giới bắt nguồn từ những điều tưởng như bình thường

Talkshow "Vượt qua định kiến giới" nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam".

Sự kiện do Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi và trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức.

Các khách mời chia sẻ về định kiến giới trong xã hội. Ảnh: KHÁNH CHI

Talkshow đã mang lại nhiều kiến thức, câu chuyện về giới, định kiến giới và bất bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, xã hội. Từ đó thúc đẩy xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới trong xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giới. 

Chuyên gia tham vấn tâm lý Mia Nguyễn đã chia sẻ về định nghĩa của định kiến giới: Đó là những ý kiến, thông tin không chính xác liên quan đến thái độ, quan điểm, cách đánh giá về vị trí, khả năng của ai đó dựa trên giới tính của họ.

"Định kiến giới dẫn đến bất bình đẳng giới. Nó khiến phụ nữ mất cơ hội trong cơ hội trong công việc, trong mưu cầu hạnh phúc, không được là chính bản thân họ. Những người đàn ông phải gặp áp lực trong việc mạnh mẽ, tự chủ, độc lập, trở thành trụ cột của gia đình, gặp khó khăn trong cuộc sống nếu như không đạt được yêu cầu mà gia đình, xã hội áp đặt lên họ" - cô nhấn mạnh.

Mia Nguyễn cũng cho rằng phụ nữ nên học cách yêu bản thân, đàn ông nên học cách tự chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Để phá vỡ định kiến giới, nên thể hiện hết khả năng của bản thân, đừng để giới tính cản trở.

Talkshow thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên tại TP.HCM. Ảnh: KHÁNH CHI

Chuyên gia xã hội học Lê Minh Tiến cho rằng những việc tưởng chừng bình thường trong cuộc sống hằng ngày lại là định kiến giới: "Phụ nữ quan điểm lấy chồng phải cao hơn mình về tri thức, nghề nghiệp. Ngày tết, phụ nữ thực hiện đúng chức trách của mình trong gia đình là xuống bếp nấu ăn, dọn dẹp; còn đàn ông ngồi trên nhà ăn uống, nói chuyện. Đó chính là định kiến giới".

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh thì chia sẻ: "Nhiều người trong gia đình không muốn để con trai nấu cơm rửa bát vì sợ cơm không chín, bát bị vỡ. Tôi cho rằng ai cũng có thể làm vỡ bát cơm, nấu cơm sống nếu như không được dạy. Vì vậy, phải dạy cho cả con trai và con gái, để con trai cũng có thể giúp đỡ mẹ và chị gái. Nên vượt qua định kiến giới từ những điều nhỏ nhoi".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm