Đọc sách khó lắm sao?

LTS: Ngày 21-4-2014 này là Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất và 23-4 hằng năm là Ngày sách và bản quyền thế giới. Sách, nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, đôi lúc cũng đã bị chúng ta quên đi hoặc dành quan tâm cho nó ít đi…

Đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, mỗi người ít nhiều thấy có mình trong đó.

Khi đi tìm môi trường giáo dục tốt cho con, một người mẹ trẻ giải thích: “Trường quốc tế mà tôi chọn, chưa nói đến chuyện giáo dục toàn diện này nọ có hay không, riêng cái quy định trẻ em mỗi ngày đều có nửa giờ đọc sách đã là tuyệt vời rồi… Đã đủ để tôi chọn rồi”.

1. Con mình biết đọc sách nửa giờ trong ngày… cái điều tưởng dễ dàng, không mất tiền ấy mà cha mẹ giờ cũng không làm nổi, giờ cũng trở thành ước mơ phải có nhiều tiền mới làm được. Hệ thống nhà trường cả mấy chục triệu trẻ em đi học đeo cặp vẹo sườn hiện nay cũng không làm nổi. Đọc sách là việc khó lắm sao? Vì sao ngay thời chiến tranh, có cả một lớp người trẻ tuổi khi ra trận, khi đi sơ tán tránh bom đạn còn nhét trong ba lô cuốn sách kiểu như Bông hồng vàng của Pautopxki? Vì sao chiến tranh mà có những “thế hệ ghiền sách” vào cả… nhà cầu cũng mang theo sách để đọc?

Trả lời câu hỏi này, chúng ta thừa biết người ta sẽ viện dẫn cả đống “lý do xác đáng” đố mà cãi được.

Nào là cha mẹ bây giờ làm ăn kiếm sống bạc cả mặt, lấy đâu ra thì giờ chăm con. (Hình ảnh điển hình của bậc cha mẹ trẻ bây giờ là luôn thiếu thời gian, luôn phấn đấu cho sự nghiệp, muốn có thân hình đẹp và luôn… thiếu tiền. Còn hình ảnh điển hình của đứa trẻ hiện đại là luôn thèm được chơi với cha mẹ, luôn thèm các thức ăn nhanh, giải trí điện tử và… dễ béo phì). Hễ đọc đến lời khuyên nào của nhà chuyên môn mà thấy nói phải dành thì giờ chơi với con thôi là thất vọng liền, khuyên những thứ chả ai làm được, ai cũng biết, chẳng có gì mới. Các bậc cha mẹ trẻ có học hẳn hoi cũng mắc chứng bệnh cái gì cũng biết mà thật ra họ… chẳng biết cái gì một cách cẩn thận, có hệ thống.

Nào là các trò game, video trực tuyến và mạng xã hội đang chiếm lĩnh đầu óc con trẻ và bức tử những kệ sách. Còn dẫn ra bao nhiêu con số hùng hồn, có điều tra xã hội học hẳn hoi chứ không phải bịa: Trẻ thích truyền hình và DVD hơn đọc sách và hầu hết phần lớn tỉ lệ người được hỏi cho rằng Internet và máy tính sẽ hoàn toàn thay thế sách trong 20 năm tới (còn có thể dẫn ra con số này báo nào nói, cuộc nghiên cứu ở nước Anh, chứ không phải lời bịa để dọa dẫm).

Nào là cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu ảnh hưởng ra sao. Nào là người Việt ham học biến đâu cả, chỉ thấy Tây đọc sách khi chờ máy bay, ở bãi biển, còn người Việt chỉ lo ăn quà, tán gẫu ồn ào, trẻ chạy la hét…

Đọc sách khó lắm sao? ảnh 1

Thay vì để trẻ con chìm đắm trong game và mạng xã hội, hãy tập thói quen cho trẻ ham mê đọc sách. Ảnh: INTERNET

2. Và còn có những cuộc tranh cãi chẳng ngã ngũ. Như qua hội sách TP.HCM vừa rồi. Người thì bảo doanh số một tuần lên tới 38 tỉ đồng, ai dám bảo người ta không đọc sách? Rồi còn đưa ra nhận xét người miền Nam đọc sách nhiều hơn người miền Bắc. Người khác bảo sách vẫn là thứ khó bán, bao nhiêu nhà xuất bản có lãi? Đếm chưa hết một bàn tay. Cả chục nhà xuất bản chả làm báo cáo kêu cứu là gì đó. Báo chí còn làm ăn thua lỗ bị đóng cửa kia kìa… Người thì than 38 tỉ cũng chả mua được sự lạc quan. Người khác lại chỉ ra cho thấy những cuốn bán chạy nhất cũng chỉ là văn chương mạng, ngụ ngôn tình ướt át pha tí triết lý vặt, còn những dự án sách tri thức vẫn luôn bị phát hành từ chối…

Thời thế con người không còn ham suy tư sâu lắng nữa rồi? Tất cả phải “la to” cho mình nổi bật, thời đại tự sướng, phải thành công mọi giá kiểu con đường của các sao trong showbiz. Giống như hàng hiệu phải nhờ các sao, đồng hồ Casio trên tay ngôi sao màn bạc Nicola Cage. Như xe xịn phải nhờ gái đẹp đứng bên. Bản tin bây giờ cũng đang tìm cách làm như nhạc rap, phải ngắn gọn, phải hài và dễ nhớ…

3. Nhiều lý luận lắm. Cái gì cũng nói trúng cả. Cả xã hội hình như chuyện gì cũng cãi nhau được. Một thói xấu trong tính cách người Việt nữa đây hay sao? Xây dựng văn hóa đọc, nói là khó lắm không làm được. Cái gì cũng phải chờ “đồng bộ”… Cuối cùng chẳng có hành động nào hiệu quả. Giống như cả nước đang tự đầu độc nhau qua thực phẩm, đồ tiêu dùng cũng chỉ thấy la lối chứ chẳng có chính sách hay hành động nào thật hiệu quả. Chả biết hỏi bộ nào có trách nhiệm. Cứ coi như bó tay là điều hiển nhiên. Báo chí thi nhau tố ra chỗ nào độc, hướng dẫn cả trăm thứ li ti để dân tìm cách phân biệt. Làm sao phân biệt được sự dối trá tinh vi lan tràn khắp nơi? Có khác gì đánh đố?

Sốt ruột hơn, trong tình thế khó trăm chiều đó, các nghiên cứu khoa học lại cứ khẳng định chắc chắn rằng yêu đọc sách là yếu tố liên quan đến sự thành công của giáo dục. Kết quả học tập của trẻ tốt hay xấu liên quan đến việc chúng đọc sách hơn là chịu sự giáo dục của cha mẹ. Phải làm cho trẻ yêu đọc sách và việc này phải làm trước khi trẻ trưởng thành…

Nhà trường nếu muốn thực sự thì sẽ phải tìm ra cách phù hợp. Tiết ngữ văn chẳng hạn, đừng nhồi văn mẫu nữa, hãy cho các em đọc sách và nhận xét, tự viết cảm nhận, có cần phải mất cả nghìn tỉ không? Giao bài tập về nhà là đọc sách rồi viết nhận xét, trả lời và đặt câu hỏi, được không? Các nhà sư phạm hãy trả lời giản dị!

Mong Ngày sách Việt Nam sẽ có sự bắt đầu đột phá từ nhà trường và các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống… cả trong gia đình và xã hội.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm