Đủ chiêu kiếm tiền của từ thiện dỏm

Xem thêm: Làm việc thiện, tâm sáng là chưa đủ 

Nhiều gia đình vào bệnh viện (BV) với hai bàn tay trắng, ngoài nghị lực kiên cường chống chọi với bệnh tật, họ còn phải gắng hết sức mình, tìm nhiều cách để trang trải viện phí. Đã có vô số trường hợp vượt qua bệnh tật nhờ sự chung tay giúp đỡ từ BV, cộng đồng, mạnh thường quân.

Chính từ thực tế không khó để tìm ra một cái tên cần được giúp đỡ trong những câu chuyện khó khăn từ các BV nên các nhóm từ thiện dỏm ở BV hình thành với nhiều mánh lới, chiêu trò khác nhau kiếm tiền trên nỗi đau của bệnh nhân.

1.001 kiểu kiếm tiền

Khoa Phỏng-Tạo hình thẩm mỹ, BV Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng cách ly bệnh nhi phỏng nặng, hạn chế tiếp xúc để tránh nhiễm trùng. Thế nhưng đến giờ thăm nuôi, người nhà bé TTTN (11 tuổi) đưa thêm bốn người nữa vào thăm con. Khi được các y bác sĩ nhắc nhở không được phép vào quá đông, người này nhường áo thăm nuôi cho một người khác và mượn thêm một áo thăm nuôi đưa cho hai người vào.

Sau năm phút, hai người này chụp lại hình ảnh bé N. đang nằm trong khoa Phỏng, đồng thời chụp lại hình ảnh trao phần quà, cùng tiền cho người này rồi ra về. Những tưởng đó là người nhà của bé N., được người mẹ tạo điều kiện vào thăm bé nhưng đến khi hỏi rõ mẹ bé N. là chị Lê Thị Xuân (37 tuổi), ngụ Cam Ranh, Khánh Hòa mới biết chị hoàn toàn không quen những người vừa rồi. “Thực ra họ tới hồi sáng, kêu muốn giúp đỡ tiền cho con tôi. Họ cho tôi 500.000 đồng rồi hứa cho chụp ảnh sẽ xin thêm, nghe vậy nên tôi dắt vào thôi” - chị Xuân nói.

Để tránh mắc lừa các nhóm từ thiện dỏm, nhà hảo tâm nên liên hệ thông qua phòng CTXH các bệnh viện. Trong ảnh: PV Báo pháp Luật TP.HCM trao tiền hỗ trợ cho một trường hợp tại phòng CTXH của BV Nhi Đồng 1. Ảnh: HA

Theo các bác sĩ tại đây, hằng ngày có 3-4 nhóm khá quen mặt, thường xuyên vào các khoa, nhất là khoa Phỏng. Họ thấy bé nào bị nặng là tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau. Có trường hợp vào một người, cho người nhà 200.000 đồng rồi xin chụp lại ảnh. Có nhóm trắng trợn hơn, thấy bệnh nhân nào được BV, mạnh thường quân cho nhiều tiền là hôm sau đến đe dọa, bắt chia tiền, nếu không sẽ bị đánh.

Với muôn kiểu lộng hành của nhóm từ thiện dỏm, điều khiến các BV đau đầu nhất vẫn là câu chuyện người nhà bắt tay với nhóm từ thiện để xin được nhiều tiền hơn. “Có rất nhiều trường hợp tại BV người nhà dường như bắt tay với các nhóm từ thiện dỏm, họ viết câu chuyên bệnh nhân trở nên bi thương hơn, mong nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Có nhiều trường hợp chia chác, người nhà hưởng bao nhiêu, từ thiện dỏm hưởng bao nhiêu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp từ thiện dỏm đến nói giúp nhưng xong rồi đi luôn, gia đình cũng không làm được gì” - BS Mai, phòng Công tác xã hội (CTXH), BV Nhi đồng 1, cho biết.

Bệnh viện cũng gặp khó

Theo BS Đinh Thạc, Trưởng phòng CTXH, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, vấn đề khó nhất vẫn nằm ở người nhà bệnh nhân. BV biết bệnh nhân gặp khó khăn nên luôn có bộ phận hỗ trợ, đồng thời tăng cường an ninh, lực lượng bảo vệ để hạn chế những đối tượng này lợi dụng bệnh nhân. “Thế nhưng vì người nhà bệnh nhân đa phần ở quê lên, không hiểu biết nhiều, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dễ bị lừa. Có người tỉnh táo, chỉ nhận sự giúp đỡ từ phòng CTXH nhưng cũng có người khi được tiếp cận họ dễ bị các nhóm từ thiện dỏm lừa, sẵn sàng cho chụp ảnh, cung cấp thông tin bệnh nhân, hoàn cảnh gia đình, chỉ mong kiếm tiền vượt qua khó khăn. Điều này BV cũng rất khó quản lý” - BS Thạc nói.

Cũng theo BS Thạc, sắp tới BV sẽ ra các quy định bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn, tránh nhiễm trùng cho bệnh nhi khi người nhà vào thăm nuôi. Đồng thời đưa ra các nguyên tắc thăm nuôi rõ ràng hơn để hạn chế các nhóm từ thiện dỏm lợi dụng người bệnh.

Theo ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH, BV Chợ Rẫy, để có thể hạn chế tối đa những tình trạng trục lợi trên người bệnh, BV đã thực hiện rất nhiều biện pháp.

Đối với những cô bác có hoàn cảnh khó khăn, BV Chợ Rẫy đều có quy trình riêng, đầu tiên là các khoa, phòng sẽ chuyển thông tin cho phòng CTXH. Tại đây, phòng sẽ kiểm tra thông tin về chuyên môn và hoàn cảnh khó khăn thực sự. Miễn bệnh nhân bế tắc về kinh phí điều trị nhưng không bế tắc về chuyên môn thì phòng CTXH BV sẽ cố gắng lo hết sức thông qua các phương án giúp đỡ, trong đó có phương án đăng báo kêu gọi hỗ trợ cộng đồng.

“Chúng tôi luôn kêu gọi cô bác có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ hoặc thấy kêu gọi giúp đỡ trên mạng nên gọi ngay đến phòng CTXH để xác minh lại theo số 0838552486, tránh trường hợp bị mắc lừa. Ngoài ra, BV đặt ra nguyên tắc thăm nuôi cẩn thận, người thân vào sau 4 giờ và chỉ một vài người nhất định, không được tự tiện đi lại trong khu vực bệnh nhân đang điều trị” - ThS Hiển cho hay.

Bữa trước cũng có một người đeo kính đen đến nói cho em chụp ảnh đưa lên mạng xã hội xin tiền cho. Người này gửi tui 200.000 đồng, tại tui khó khăn quá nên tui cũng cho chụp, dưới quê lên đâu có cách nào. Mà từ hồi chụp ảnh tới giờ cũng hơn một tuần rồi, người đó đi đâu mất tiêu không thấy, còn tiền giúp đỡ nhà tui thì phòng CTXH của BV lo giúp.

Chú PHAN VĂN HÙNG,
thân nhân nuôi bệnh tại BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm