Gánh khổ mà đổ đi đâu!

Chưa có chuyến công tác nào làm chúng tôi nặng trĩu khi đến thăm như lần này. Xã Phước Vinh (huyện Châu Thành, Tây Ninh) là một xã biên giới nghèo. Kể từ khi đi qua cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Phước Vinh đã có hơn 20 năm xây dựng cuộc sống mới trong yên bình. Tuy vậy, mảnh đất này còn quá nhiều nhọc nhằn, nhất là gánh nặng về bệnh tật, nghèo đói.

Những phận đời lay lắt

Ông Châu Văn Hùng (Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Phước Vinh) trăn trở: “Xã tui có hơn 200 người tàn tật, tâm thần và nạn nhân chất độc da cam. Trong đó, ấp Phước Lợi, Phước Thạnh chỉ hơn trăm hộ mà có tới 30 người tàn tật, thần kinh, câm điếc. Nhiều hôm đi làm về, tui ghé vô thăm mấy nhà, thấy tình cảnh xót ruột không chịu nổi...”.

Một trong những gia đình làm ông Hùng “xót ruột không chịu nổi” là nhà ông Nguyễn Văn Quang (ngụ tổ 3, ấp Phước Lợi). Ông Quang 61 tuổi, bị mù, khi chúng tôi đến, ông đang ngồi thẫn thờ trước thềm nhà. Căn nhà nhỏ này là nhà tình thương được xã vận động kinh phí xây tặng.

 
Hai anh em Vũ Chí Hùng, Vũ Chí Dũng bị mù từ nhỏ, trí tuệ kém phát triển. Ảnh: NH

Ông Quang sống bằng nghề bán vé số. Ông lấy vợ cách đây 20 năm, sau khi sanh ba người con trai thì vợ ông mất. Ông dò dẫm đi bán vé số nuôi con trong nghèo túng cùng cực. Rồi đau khổ chồng chất khổ đau khi hai con trai ông khởi phát bệnh tâm thần. Vì mù nên việc trông coi, chăm sóc cho hai đứa con bạc phước là bất khả, nên “nhiều hôm tụi nó đi lơ ngơ, phá phách người ta, có người không biết nó khùng nên đánh lại, tội lắm”. Kể tới đó, đôi mắt mù lòa của ông ngân ngấn nước.

Trong gia đình đó, chỉ có anh Nguyễn Văn Chia, 22 tuổi, con trai lớn của ông Quang là còn khỏe mạnh. Chia đã phải sớm bỏ học đi làm phụ hồ cùng cha gánh vác gia đình. Ông Quang hiện bị bệnh teo cuống bao tử, đau cột sống nên không tiếp tục đi bán vé số được nữa. Chỉ có mình Chia đi làm mướn, phụ hồ kiếm tiền nuôi em, nuôi cha. Hai em của Chia có tên là Sớt và Cho. Sớt thỉnh thoảng cũng phụ hồ giúp anh nhưng phần lớn thời gian hay đi lang thang, ngơ ngẩn. Còn Cho bệnh nặng hơn, không làm được việc gì, ở nhà hay lấy gạo, thức ăn trộn với cát. Ông Quang kể: “Sáng nay tui đã giấu kỹ nồi cơm, vậy mà trưa nay tính lấy cơm chan nước tương cho nó ăn thì phát hiện đã bị trộn đầy cát rồi. Cha con tui nhịn đói tới giờ”.

Gần đó, nhà bà Võ Thị Minh Huê (53 tuổi, tổ 7 cùng ấp) có hai đứa con trai vừa bị mù vừa chậm phát triển trí tuệ. Con trai lớn tên Vũ Chí Hùng (33 tuổi), con trai thứ tên Vũ Chí Dũng (30 tuổi). Cuộc sống của hai anh em chỉ quanh quẩn ở khoảng sân nhỏ của ngôi nhà đại đoàn kết do một số nhà hảo tâm xây tặng. Chồng bà Huê trước là công nhân, nay đi đóng ghe mướn nuôi cả gia đình, thu nhập bữa có bữa không.

Trong hai anh em, Hùng có vẻ lanh lợi, nói chuyện lưu loát hơn em trai. Hùng nói: “Cuộc sống của em buồn lắm. Em lớn rồi mà chưa tự làm được việc gì, chỉ khổ bố mẹ”. Không khí buồn bã, u ám bao trùm lấy căn nhà.

Đi một vòng quanh ấp, những hoàn cảnh khốn khổ như nhà ông Quang, bà Huê không hề là cá biệt.

Vươn lên trong cùng cực

Nhưng dẫu khó khăn đến đâu, các hộ gia đình cùng khổ ở đây vẫn phải sống, phải vươn lên. Trong cảnh cơ cực nhất, bế tắc nhất, điểm tựa cho họ chính là nghị lực, tình người và niềm tin vào thế hệ sau này.

Bà Lê Thị Rạng (năm nay 81 tuổi, tổ 5, ấp Phước Lợi) có hai người con trai, một đã mất, một bị tâm thần. Gia đình bà từ lâu đã là hộ nghèo chuẩn trung ương. Người con trai tâm thần đang sống với bà tên Nguyễn Văn Quan, gầy gò, xơ xác, đang mang trong người đủ thứ bệnh. Bà Rạng nói tới con là khóc: “Năm nay con tui cũng 60 tuổi rồi, chừng đó năm tui đau khổ với nó. Tui già yếu, không lo được nữa, tội nghiệp cho con dâu tui lắm”.

Con dâu mà bà Rạng nhắc tới là chị Phan Thị Đẩu, vợ của người con trai út đã mất vì bệnh xơ gan. Chị Đẩu về làm dâu bà Rạng trong cảnh nghèo tới mức hai gia đình không lo nổi một mâm cơm, nên chị đành “về ở không”. Sống với nhau không được bao lâu thì chồng chị bị xơ gan rồi mất, một mình chị đi bán vé số để nuôi mẹ chồng, anh chồng tâm thần và con gái. Nhiều hôm mưa gió, bán không được, cả nhà lại đói. Ở ấp ai cũng thương chị tảo tần, hiếu thảo nhưng ai cũng nghèo nên không giúp được gì nhiều. Con gái chị Đẩu, đang học lớp 9, nhiều năm liền là học sinh khá. Cô bé rất ngoan, ham học. Đó là điểm tựa của chị Đẩu để vươn lên”.

Gần đó, nhà bà Lê Thị Nào (tổ 1, cùng ấp Phước Lợi, 74 tuổi) cũng được xếp vô diện hộ nghèo chuẩn trung ương từ hồi nào bà không nhớ nữa. Bà có ba người con bị câm, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Những người con của bà dù bệnh tật, nghèo khó nhưng đều quyết tâm làm lụng nuôi con cái ăn học. Những đứa trẻ sinh ra may mắn không bị câm như bố mẹ, đều chăm ngoan ham học.

Trao đổi với một cựu chiến binh xã, ông cho rằng hiện tượng có nhiều người khuyết tật, bệnh tâm thần trong xã là một điều khó giải thích. Hiện chưa có cuộc khảo sát khoa học nào được tiến hành ở đây. Bên cạnh đó, như một duyên nợ, cũng có một số gia đình nghèo khó, có người thân bị khuyết tật, tâm thần ở nơi khác cũng chọn ở lại Phước Vinh sau khi đã phiêu bạt khắp nơi. Như trường hợp gia đình Nguyễn Võ Quang Văn ở TP.HCM mới chuyển về (báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết Nghị lực của chàng trai thấp bé số ra ngày 5-5). Văn là trụ cột gia đình, chiều cao chỉ 1,2 m. Em trai Văn bị hội chứng Down, chị gái bị tâm thần, mẹ thì nghễnh ngãng.

Ông Châu Văn Hùng tâm tư: “Thời gian qua, xã và các ban ngành, đoàn thể đã cố gắng vận động nhiều nguồn trợ giúp cho các hộ nghèo ở đây bằng việc tặng quà hỗ trợ người nghèo, xây tặng nhà tình thương cho các hộ khó khăn nhất. Nhưng phải nói thật là sự hỗ trợ đó chỉ có thể giúp đỡ phần nào thôi, dù bản thân các hộ này đã rất cố gắng. Có những gia đình chỉ có một người mạnh khỏe, còn lại thì bị tâm thần hoặc bị khuyết tật hết, làm sao thoát nghèo nổi...”.

NGUYỄN HOÀNG

 

Ở ấp Phước Lợi, Phước Thạnh có nhiều người bệnh tâm thần, khuyết tật, bệnh máu loãng, nạn nhân chất độc da cam. Mình nghi họ nhiễm chất độc thôi chứ chưa đủ các tiêu chí để xét là nạn nhân chất độc da cam. Cả xã chỉ có chín người được hưởng chế độ trợ cấp dành cho nạn nhân chất độc da cam. Các hộ còn lại, xã đưa vào diện xét hộ nghèo hằng năm, làm chế độ trợ cấp xã hội theo quy định, vận động các nguồn trong xã hội để hỗ trợ, chia sẻ với họ. Tuy nhiên, nhiều gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo quá, rất khó thoát nghèo...

Ông NGUYỄN TẤN ĐỨC, Bí thư xã Phước Vinh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm