Gặp ông đại tá từng thế chấp nhà kéo điện cho dân

Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, ông Lê Xuân Đây (88 tuổi, ngụ thôn Tiên Đoả, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) không chỉ là một vị đại tá can trường mà ông còn là một người sống hết mình, cống hiến cho người dân nghèo.

Kéo điện, làm đường cho dân

Về xã Bình Sa, chúng tôi hỏi người dân chỉ nhà ông Đây. Ngạc nhiên là từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đến ông với cái tên trìu mến “ông Ba Đây”. Người dân tự nguyện dắt chúng tôi đến tận căn nhà cũ kĩ, xuống cấp nơi ông Đây đang sinh sống.

“Nhà ngày xưa ông Đây thế chấp đi kéo điện cho dân chúng tôi được nhờ đây nè”, một người dân cho hay.

Ông Đây đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa, thấy chúng tôi ông nở nụ cười thật tươi rồi chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình.

Xuất thân từ gia đình giàu truyền thống yêu nước, ông Đây khoác lên mình màu áo bộ đội từ năm 17 tuổi. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, năm 1989, ông Đây về hưu với quân hàm đại tá.

Tuổi trẻ cống hiến cho đất nước, khi về già, vị đại tá đau đáu với mong muốn góp công sức cho quê hương. Nghĩ là làm, ông Đây quyết định trở về quê sinh sống cho đến bây giờ.

Những ngày đầu về quê, ông tham gia công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Thăng Bình với chức vụ Phó Chủ tịch 14 năm liền. Thời ấy, mặc dù công tác không có lương, cũng không phụ cấp nhưng ông không ngại khó khăn, vất vả. Lạch cạch cùng chiếc xe đạp cà tàng, ông rong ruổi khắp mọi nơi trong huyện để khuấy động phong trào địa phương.

Chứng kiến sự khó khăn của người dân quê hương luôn sống tù mù trong bóng tối mỗi khi đêm xuống, ông Đây quyết làm một điều gì đó để dân làng có ánh sáng. Ông âm thầm mang giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng để kéo điện, làm đường cho người dân.

Ông Đây với giấy tờ căn nhà mà ông từng đem thế chấp ngân hàng để kéo điện cho người dân. Ảnh: THANH NHẬT

“Thời đó người dân nghèo lắm, ai cũng mong có điện có đường. Nhưng đến khi huy động góp tiền mua dây truyền tải về kéo điện thì ai cũng lắc đầu vì tiền nhiều quá. Đến cái ăn còn chưa đủ no thì lấy đâu ra tiền. Thế là tôi đem nhà mình đi thế chấp vay 25 triệu đồng về kéo điện, làm đường cho hơn 100 hộ dân trong làng”, ông Đây nhớ lại.

Sau đó thì điện được kéo về tận nhà từng người dân, đường được xây dựng vào thôn với tâm nguyện của ông. Từ khi có điện, có đường đời sống người dân đỡ cơ cực hơn. Và phải mất bốn năm sau ông mới trả hết nợ cho ngân hàng.

Góp lương giúp đỡ người nghèo

Sau lần đó, người dân ai cũng yêu quý ông đại tá về hưu. Ông Đây nói: “Từ đó tôi mới nhận ra rằng, hạnh phúc của mọi người chính là niềm vui lớn nhất cho chính mình”. Vì vậy, ông tiếp tục hành trình thiện nguyện bằng việc giúp đỡ người khác.

Ông Đây kể, vợ chồng ông Huỳnh Mãi có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa,  sinh sống ở địa phương. Cuộc sống của vợ chồng ông Mãi hết sức khó khăn. Ông Đây quyết định gom góp số tiền lương hưu của mình xây tặng vợ chồng ông Mãi một căn nhà.

Khi ông Đây nói sẽ xây nhà cho ông Mãi người trong làng ngoài xã không ai tin. Cho đến khi những xe cát, xe đá, xe chở xi măng vật liệu được tập kết thì người dân mới vỡ lẽ rằng ông Đây không nói suông. Ngôi nhà được cất lên trong niềm vui mừng khôn xiết của vợ chồng ông Mãi và chòm xóm. Sau này, đến khi ông Mãi qua đời, cũng chính ông Đây là người góp tiền lo ma chay.

Bà Bùi Thị Diệp -hàng xóm của ông Đây cho biết, ông Đây là người có lối sống chuẩn mực, hết lòng vì mọi người. Mặc dù không giàu có gì nhưng ông thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Căn nhà cấp bốn ọp ẹp ông Đây từng thế chấp ngân hàng để kéo điện về cho dân. Ảnh: THANH NHẬT 

“Ở đây ai cũng mến ông Đây. Sống gần nhà ông mấy chục năm nay tôi chứng kiến nhiều rồi. Mặc dù không bà con, họ hàng nhưng thấy ai khó khăn mà giúp được là ông sẵn sàng giúp đỡ ngay. Dân làng tôi nể phục ông lắm. Ông như ông tiên giúp đỡ người nghèo khó vậy”, bà Diệp nói.

Thường xuyên giúp đỡ mọi người nhưng nơi sinh sống của hai vợ chồng ông Đây chỉ là căn nhà cấp bốn ọp ẹp, bên trong chẳng có vật dụng gì đáng giá. Ông cũng không quan tâm chuyện mua sắm, xây nhà kiên cố mà chỉ nghĩ đến chuyện làm việc thiện.

Bà Huỳnh Thị Hai - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Bình Sa cho hay, từ khi về hưu, ông Đây liên tục đóng góp cho địa phương trong công cuộc đổi mới quê hương. Điển hình phải nói đến việc ông Đây thế chấp nhà để kéo điện, làm đường cho người dân. Chuyện đó như cổ tích giữa đời thường vậy.

Đường và điện được khang trang như ngày hôm nay có một phần đóng góp của ông Đây. Ảnh: THANH NHẬT

“Không chỉ vậy, hàng năm ông Đây còn trích lương hưu để hỗ trợ người nghèo và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa. Ai cũng quý mến và thương ông” - bà Hai nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm