Ghen tuông như đao phủ

Bốn mươi tuổi, anh tôi mới lấy vợ, chị dâu nhỏ hơn tròn con giáp. Trước đó, anh từng có mối tình sâu đậm với chị Rơi nhưng gặp nhiều trắc trở. Bà nội của chị Rơi chê gia đình tôi nghèo lại lắm anh nhiều em. Nằm trên giường bệnh, hễ nghe tiếng anh tôi sang thăm, bà nội liền gượng dậy, quát nạt, chửi rủa, đuổi anh về. Rồi như để phòng ngừa, những ngày cuối đời, bà bắt chị Rơi cưới gấp một người từ lâu theo đuổi chị; bảo rằng có như vậy, bà mới an lòng. 
Cuộc hôn nhân không tình yêu khiến chị Rơi đắm trong tháng ngày đau khổ. Người ta biết rõ chị làm vợ vì lý do gì, thành ra cảnh giác; chẳng những kiểm soát từng đồng bạc qua mớ rau chị bán, mà còn nghiêm cấm chị về thăm gia đình. Có lần, chồng chị Rơi dán trước cửa dòng chữ “không tiếp phía vợ, những ai liên quan đến vợ”. Anh tôi nghe được chuyện, đã bỏ xứ đi làm ăn xa. Bốn năm sau anh tôi về, gầy dựng một garage nhỏ. Bị gia đình thúc ép, anh mới chịu lấy vợ ở tuổi muộn màng.

Nhà tôi, nhà chị Rơi và nhà của chồng chị đều chung làng, khiến câu chuyện qua miệng lưỡi người dưng thêm phần... gay cấn. Họ thêu dệt, bàn tán quanh năm. Chuyện mỗi ngày chị Rơi đi bán rau qua lại ngang nhà người yêu cũ, dáng vẻ vội vàng, mặt cúi xuống càng trở thành đề tài xôm tụ. Chị dâu ở tỉnh khác, về hôm trước, hôm sau đã nghe ngóng, dò hỏi, sớm nắm bắt toàn bộ thông tin.

Với người ngoài, chị dâu thích nghe họ nói về “tình địch”; họ không nói, chị sẽ tìm cách “mớm lời”. Càng nghe người ta chê “tình địch” già nua, xuống sắc, xấu xí, người gì teo nhẻo, chị càng ra vẻ hả hê. Chị hùa vào: “May mà ông Dũng (tên anh tôi) với bà ấy không cưới nhau, chứ lấy về người ta tưởng mẹ con, kỳ lắm”.

Với người trong nhà, chị đặt điều nói xấu chị Rơi. Nhiều lần chị dâu kể, nào thấy chị Rơi mạt sát, chửi bới người mua hàng; nào hàng chị Rơi bán giá trên trời hay thấy dáng chị ngồi nhai cục giò giữa chợ, trông ớn... Kể xong, bao giờ chị cũng quy kết: “Mấy người hung dữ, thế đi dáng đứng như vậy mà về làm dâu nhà này, người khác bị... “ăn thịt” như chơi”.

 Ba đường dao lam trên cổ tay anh tôi - tự vẫn hụt trong ngày chị Rơi đi lấy chồng - luôn sẵn sàng gợi lên trong chị sự tức tối. Ảnh minh họa

“Đày đọa” chúng tôi chưa phải là cách chị dâu trút bỏ ghen hờn, dằn vặt anh tôi mới thỏa được nỗi ghen tuông trong chị. Ba đường dao lam trên cổ tay anh tôi - tự vẫn hụt trong ngày chị Rơi đi lấy chồng - luôn sẵn sàng gợi lên trong chị sự tức tối. Chị thường cắn đắng: “Đàn ông gì yếu đuối, nhu nhược. Đàn bà chết hết hay sao mà yêu không được thì muốn chết?”; rồi chị xóc xỉa: “Là vì người ta cũng mê chồng giàu mới bỏ anh, đâu như em không ngại xa xôi, nghèo khó”. Thậm chí, có lần chị còn trẻ con đến mức đùa cợt: “Anh ở tới bốn mươi vì chờ bả phải không? Giờ thấy bả khổ quá thì bỏ tui đi rồi kêu bả bỏ chồng, rồi hai người đến với nhau”. Anh tôi ít nói, hiền lành, chỉ cười cười để phớt lờ hoặc gãi đầu trấn an: “Do duyên số bắt anh chờ em”.

Tôi biết anh mình. Đằng sau nụ cười là nỗi buồn khó nói. Có lần anh nhậu say, ngồi thừ góc nhà, châm điếu thuốc hút dở lên ba đường dao lam. Anh bảo để xóa chứng tích tình yêu cũ cho vợ vừa lòng. Mà nào chị có vừa lòng, biết chuyện, chị chuyển sang hướng khác: “Giết là giết cái người trong tim chứ xóa mấy cái này làm gì? Anh còn thương nên mới muốn đau thêm lần nữa phải không?”. Kiểu gì chị cũng nói được. Anh tôi thương vợ, nhưng lâu dần đâm ra ngán ngẩm. 
Anh hay đến với rượu và thích ngồi tư lự sau mỗi khi chuyện không muốn nhớ cứ bị mang ra mổ xẻ. Lẽ tất nhiên, điều gia đình tôi sợ nhất, cuối cùng cũng đến - chị dâu nổi ghen trong lúc anh say. Đó là lần chị vu vơ: “Bà Rơi mà biết anh rượu chè vầy, bả cúng heo ăn mừng vì không vớ phải anh”. Đang ăn cơm, anh bỗng sa sầm, vung tay hắt nguyên nồi canh lên vợ, để rồi, chị dâu tiếp tục hiểu chệch rằng, chồng vẫn nhớ thương người cũ nên không cho ai “động vào”. Chị càng lồng lộn ghen tuông, anh càng tìm đến rượu. Rồi, nắm đấm như chực chờ trên tay, chỉ cần nghe vợ hé miệng nhắc người xưa là anh liền vung xả.

Hình ảnh chị Rơi như cơn bão quét qua rồi ở lại mãi trong ngôi nhà của anh chị. Mới hai năm hôn nhân mà vợ chồng trách mắng, đòi bỏ nhau như cơm bữa. Anh tôi biến thành kẻ thích bạo hành, thô lỗ, hay say xỉn tự bao giờ. Anh không biết khuyên vợ. Còn chị cũng nào biết, đã sai trái khi mải miết ngoáy chọc quá khứ, chị còn chọn dẫn cuộc hôn nhân của mình đến pháp trường, mà ghen tuông là một tên đao phủ.

Theo Phong Nguyệt (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm