Giã từ dĩ vãng Thành "trọc"

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Anh

Người đó là nghệ sĩ Xuân Anh, tên thật Nguyễn Phước Thành (sinh năm 1958). Khi nghe chuyện cô bé lớp 2 bị công an mời hỏi cung mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, anh không ngần ngại chia sẻ cảnh đáng thương bằng suất học bổng 1,2 triệu đồng/tháng. Đó là ấn tượng đầu tiên tôi được biết về anh.

“Quá tam ba bận”

Hoàn cảnh gia đình mồ côi cả cha lẫn mẹ đã đẩy đưa một thiếu niên trở thành một giang hồ gan lỳ, bất cần đời với biệt danh Thành “trọc”. Những vết sẹo dài chằng chịt trên khuôn mặt. Rồi Thành “trọc” bị bắt vào tù năm năm. Trốn tù, Thành “trọc” càng lỳ lợm hơn, sau đó vướng vào “nàng tiên nâu” và bị bắt vào trường cai nghiện. Lại trốn, đi làm bảo kê, lỳ lợm hơn…

Hai lần trốn trường trại, “quá tam ba bận”, Thành “trọc” quyết tâm làm lại cuộc đời. Năm 1992, Thành “trọc” học khóa nhiếp ảnh tại Hội Nhiếp ảnh TP.HCM, lấy nghệ danh Xuân Anh. Anh đi chụp ảnh dạo, chụp ảnh cưới, ảnh chân dung nghệ thuật rày đây mai đó như một cách phục thiện báo hiếu cho mẹ mà những năm tháng làm trùm du đãng Thành “trọc” đã không ít lần làm mẹ phải buồn lòng, không làm tròn bổn phận của một người con.

“Tôi nghĩ nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như con người. Mỗi thân phận đều có sự đấu tranh giữa hai ranh giới sáng-tối. Nếu lấy mảng tối để lột tả thành công cái đẹp của vầng sáng thì mình sẽ có một tác phẩm nhiếp ảnh ưng ý. Còn với mỗi con người, nếu không thể gạt bỏ được cái xấu hiện diện trong cuộc đời thì phải chứng tỏ bản lĩnh vượt qua được cái xấu…” - nghệ sĩ Xuân Anh tâm sự sau khi giã từ dĩ vãng Thành “trọc”.

Yêu hoa sen từ nỗi nhớ mẹ

Khi đến quán bò tơ Xuân Anh, tôi bắt gặp anh đang ngụp lặn dưới ao sen, đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh chuyên nghiệp. Như đọc được ý nghĩ của tôi trong buổi gặp gỡ không hẹn trước này, anh chẳng ngại ngần chia sẻ: “Chuyện của tôi có ngồi kể đến sáng vẫn không hết. Bạn hỏi vì sao tôi yêu sen? Đơn giản, vì sen từ bùn ngoi lên, cuộc đời của tôi cũng đi lên từ bùn. Sen là biểu tượng vươn lên của ý chí, nghị lực: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tôi mong muốn và cố gắng giữ mình trong sạch như hoa sen, bởi một kẻ giang hồ khi trở về phục thiện là rất khó. Tôi cố giữ mình, thậm chí có khi bị bọn trẻ hăm dọa cũng im lặng”.

Bức ảnh chụp hoa sen

Vì yêu sen, anh dành hẳn phía sau quán làm ao sen, nuôi cá, hòa hợp với thiên nhiên trong xanh, mát rượi. Đó là cái khéo, cái tài của nghệ sĩ Xuân Anh.

Để có những bức ảnh hoa sen “ưng ý”, anh đã thức khuya dậy sớm canh từng khoảnh khắc, từ nụ hồng mới chúm có giọt sương khẽ đọng trên lá sen, những chiếc lá non vừa nhú những sợi tơ… cho đến một bông sen hồng nở tung khoe hết sắc hương. “Tôi không dùng máy ảnh để lăng-xê bởi hoa sen chẳng cần ai ca tụng vẻ đẹp vốn có của nó. Tôi chỉ cố gắng ghi lại những nét lung linh, thanh khiết của loài hoa mà tôi ngưỡng mộ” - anh thổ lộ như thế.

Xuân Anh mở cuộc triển lãm ảnh cá nhân với 120 bức. Toàn bộ số tiền thu được từ bán tranh ảnh, anh dành làm từ thiện. “Tôi nhận thấy hoa sen có tính nhân bản nên tôi chọn các chủ đề về cha mẹ, anh em, tình yêu để đặt tựa cho các bức như Bóng tối và ánh sáng, Đi trong bóng đêm, Lòng mẹ, Cha là điểm tựa của đời con, Tình vợ chồng…”.

Khi anh biết tôi mất cha từ nhỏ, anh tặng tôi bức tranh Lẻ bóng với tâm sự đồng cảm của một người con mất mẹ như anh: “Tôi không cần danh lợi vì sóng gió cuộc đời đã dạy cho tôi nhiều bài học. Tôi thấy có những người con bất hiếu với cha mẹ. Tôi buồn. Tôi yêu hoa sen từ hình dáng thuần hậu và tấm lòng bao dung của mẹ. Cái đạo nghĩa làm con mà tôi chưa tròn chữ hiếu, tự sâu thẳm trong lòng tôi vẫn day dứt mỗi ngày, mỗi khắc…”.

Khi chia tay, tôi nhớ mãi câu anh tự dặn lòng: “Xuân Anh không dùng sức mạnh để uy hiếp mà dùng sức mạnh để phục thiện”. Rất giang hồ và cũng rất nghệ sĩ.

Sẻ chia bát cơm đầy

Năm 2006, anh dành dụm đủ số vốn để mở nhà hàng. Tuy ở tận Củ Chi nhưng người thành phố lại biết tiếng, họ tìm đến nhà hàng một phần vì tò mò con người chủ quán, một phần vì để ngắm hoa sen. Dạo quanh khuôn viên quán rộng 10.000 m2, nhìn thấy rải rác những phiến đá khắc ghi những câu phương châm do Xuân Anh tự đặt: “Cảm ơn người cho ta bát cơm đầy”, “Hãy yêu lấy mọi người như yêu chính mình”, “Hãy tôn trọng mọi người như tôn trọng chính mình”…

Anh là một trong những nhà hảo tâm quen thuộc của huyện Củ Chi. Chỉ trong dịp tết Nguyên đán vừa rồi, anh xây nhà tình thương, tặng 300 phần quà và 50 thẻ bảo hiểm dành cho người nghèo. Anh còn được Bộ Du lịch Campuchia tặng bằng khen vì đã tặng 500 phần quà từ thiện.

“Hễ tôi còn sống một ngày là còn làm từ thiện” - Xuân Anh cho biết. Anh mỉm cười nói thêm: “Anh em báo chí nếu có dịp đi công tác ở Củ Chi, xin mời ghé quán dùng cơm đạm bạc, đừng ngại gì hết”.

GIÁP NGUYỄN - THUẬN KHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm