16 trường nghề phản ứng thông tư về đào tạo ngành y

Thông tư quy định: Từ ngày 1-1-2021 trở đi, viên chức tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành hộ sinh; tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp kỹ thuật y hạng IV phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật y.

Sinh viên học ngành chăm sóc sức khỏe. Ảnh: P.ĐIỀN

Từ năm 2018, các trường sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo, từ năm 2021 sẽ ngưng tuyển dụng hệ trung cấp điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật y học và từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế.

Các trường cho rằng thông tư trên đã tác động tâm lý đến hàng trăm ngàn học sinh đang theo học và những người tốt nghiệp ngành này chưa có việc làm.

Thứ nhất quy định trên chưa phù hợp với tình hình thực tế. Do tình trạng chung của các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương là mỗi người bệnh thường kéo theo 1-2 người nhà đi chăm sóc nhưng lại không có chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này vừa tạo ra sự lãng phí sức lao động, vừa gây ra những khó khăn trong công tác quản lý tại các bệnh viện... Nhưng nếu không có người nhà bệnh nhân đến chăm sóc người bệnh thì ngành y tế không đủ cán bộ, nhân viên y tế để chăm sóc bệnh nhân, làm sao so sánh theo tiêu chuẩn chung của thế giới? 

Thứ hai Bộ Y tế chủ quan, chưa khảo sát thực tế, đánh giá tác động khi ban hành thông tư. Quy định của Bộ Y tế ban hành một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của nó, chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế của các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến trung ương…

Thứ ba thông tư này gây khó khăn trong hoạt động đào tạo các trường trung cấp. Lý do khối ngành chăm sóc sức khỏe chưa chuẩn bị kịp lộ trình cho đào tạo và chuyển đổi ngành nghề, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất để chuyển sang đầu tư cho ngành nghề khác.

Sinh viên, học sinh đang theo học cũng thấy hụt hẫng và ảnh hưởng đến chất lượng học tập và cơ hội việc làm. Gia đình và xã hội cũng tạo dư luận lo lắng, phân biệt trình độ không đáng có trong quy định này. Chưa kể là phần lớn những người này đang phát huy rất tốt công việc chuyên môn của mình theo trình độ trung cấp ở địa phương đang làm.

Hiệu trưởng các trường nghề đồng ký tên vào đơn kiến nghị.

Theo đó các trường kiến nghị:

 Bộ GD&ĐT cần xem xét đổi tên trung cấp chuyên nghiệp thành CĐ hai năm cho phù hợp với quy chuẩn chung của quốc tế. Hiện nay Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và nhiều thị trường khác đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý nhưng họ đều yêu cầu trình độ tối thiểu là cao đẳng trở lên (theo tên gọi bậc học của họ).

Bộ Y tế cần sửa đổi lại và trước hết là tạm ngừng chưa thực hiện thông tư nói trên để phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi Bộ GD&ĐT chưa xây dựng xong khung trình độ quốc gia và các bộ ngành khác vội vàng trong việc áp chuẩn trong hội nhập ASEAN về trình độ lao động đã thực sự chưa chuẩn bị bước đệm cho chuyển đổi hoặc nâng cấp trình độ đào tạo của trong nước cho tương đương, phù hợp.

“Tóm lại, việc nâng cao và chuẩn hóa trình độ nguồn nhân lực ngành y tế là một việc nên làm để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cả cho hội nhập. Tuy nhiên, lộ trình cần hợp lý, cần có bước chuẩn bị để không giết chết hoặc gây xáo trộn không đáng có cho nhiều đối tượng liên quan”, các trường nêu ý kiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm