“Bạo chúa” trong nhà

“Bạo chúa” trong nhà

Nước mắt trẻ con, hay những trò ăn vạ ngoài đường phố trong siêu thị thật không mấy dễ chịu. Nhưng nếu bạn luôn nhượng bộ cho những điều “Con muốn…” thì mọi việc sẽ còn trầm trọng hơn.

Thậm chí những bậc phụ huynh đầy đủ bản lĩnh để nói không trước những trò ăn vạ như thế ở nhà thì có khi cũng đành phải nhượng bộ khi chúng diễn ra ở chốn công cộng. Trong con mắt phán xét của người qua đường hay khách mua hàng trong siêu thị, bố mẹ cảm thấy mình hoặc là giống như một kẻ keo kiệt và hung ác khi từ chối mua gói bánh tí tẹo, hoặc là một kẻ tồi tệ không biết dạy dỗ con cái.

“Bạo chúa” trong nhà ảnh 1
Có phải là quá đáng khi cấm con chạy ra đường hay sờ tay vào bàn ủi hay không thì không cần bàn cãi. Nhưng nếu chuyện lại về mấy chiếc kẹo hay một con búp bê xinh xinh thì có cần phải nghiêm khắc quá hay không? Dù sao thì người ta cũng chỉ làm trẻ con có một lần trong đời, vậy thì tại sao lại phải tước đoạt những niềm vui nho nhỏ đó của con? Thế nhưng các chuyên gia tâm lý đã khẳng định: Quá chiều chuộng những đòi hỏi của trẻ sẽ khiến trẻ dần dần không còn coi trọng bố mẹ nữa. Hậu quả của điều đó không chỉ là những hành vi xấu nơi công cộng mà khi trẻ đi học, trẻ sẽ không biết giới hạn của cư xử trong tập thể, tạo ra những khủng hoảng trầm trọng của tuổi dậy thì và nhiều vấn đề khác nữa. Khi cha mẹ trao dây cương quyền hành cho trẻ có nghĩa là họ đã khiến cho trẻ cảm thấy rằng giờ đây chúng là người quan trọng nhất trong gia đình. Có một câu chuyện vui khá quen thuộc như sau: Trước khi có con, vợ chồng thường tranh cãi xem ai là người quan trọng nhất trong nhà. Giờ đây, chúng tôi ngủ, ăn, uống khi mà “ông vua nhỏ” cho phép. Đây là một tình trạng hết sức nguy hiểm và nguy hiểm trước hết là cho tâm lý của trẻ. Quyền hạn và trách nhiệm của cha mẹ đang bị đe dọa. Khi đó, giữa trẻ và thế giới người lớn đường như không có gì ngăn cản bởi với trẻ, cha mẹ cũng không phải là người lớn trong nhà. Chúng sẽ ra sức chứng minh điều đó bằng những hành vi của mình. Và như thế có nghĩa là trẻ trở thành người lớn nhưng chúng lại chưa có đủ khả năng điều hành mọi việc một cách có trách nhiệm. Như vậy, những kiểu làm nũng, làm mình làm mẩy, ỏng ẹo và những cách mà chúng thử yêu sách sẽ thường xuyên diễn ra ngày càng nhiều.. Lớn lên một chút, đứa trẻ quen ra lệnh sẽ luôn xung đột với mọi người xung quanh, bởi chẳng có thầy cô hay bạn bè cùng trang lứa nào muốn tuân lời một “bạo chúa nhí”. Việc học và những sinh hoạt khác sẽ khó khăn vì những trẻ này không quen với việc thất bại. Những điểm 2 đầu tiên hay bất kỳ sự thua sút nào cũng khiến chúng bị sốc. Tất nhiên là bạn không nhất thiết phải từ chối mọi đòi hỏi của trẻ. Có thể là trẻ đúng khi nó vô cùng thích một con gấu bông hay thèm muốn một cây kem giữa trưa hè. Và thật tuyệt vời khi cha mẹ có thể cân bằng giữa sự nghiêm khắc với việc chạy nhắng lên sau lưng trẻ để chiều mọi ý thích của nó. Làm thế nào để xây dựng và tăng cường uy tín của bố mẹ?- Nếu bạn quyết định nói “không” thì bạn phải luôn cứng rắn với quyết định của mình. Bạn đã cấm con nghịch ổ điện được thì tại sao bạn lại có thể cho phép đứa con thường xuyên bị cảm lạnh của mình vọc nước suốt ngày? Nhưng nói chung là thà bạn cho phép trẻ làm gì đó không hoàn toàn đúng ngay lần xin đầu tiên của nó còn hơn là ba lần từ chối rồi lại cho phép sau những khóc lóc nài nỉ. Làm như thế khác nào bạn mách con rằng chỉ cần làm ra vẻ đáng thương, khóc lóc ỉ ôi thật nhiều là sẽ thành công. - Không nên đổ trách nhiệm phải quyết định lên vai thành viên khác của gia đình nếu đứa trẻ hỏi xin chính bạn. Những câu trả lời đại loại như: “Con đi xin mẹ đi!” hay “Con đợi bố về rồi nói với bố” sẽ chứng tỏ rằng bạn không có khả năng quyết định vấn đề. Trong trường hợp đó, người thứ hai (bố hay mẹ) vẫn giữ được uy tín của mình nhưng bạn thì chẳng còn chút nào. - Hãy lắng nghe ý kiến và mong muốn của con cái nhưng nên dạy con chú ý đến những yêu cầu của người khác. “Em con muốn chơi trốm tìm. Con chơi với em 10 phút đi rồi mẹ con mình sẽ cũng chơi trò lắp ráp con thích”, “Mẹ mệt quá rồi, con cho mẹ nghỉ chút đi. Con sang phòng khác chơi nhé”. - Hãy cố gắng luôn luôn trung thực. Mọi sự nói dối đều làm mất lòng tin, việc thất hứa cũng sẽ trở thành gương cho con trẻ bắt trước. Bạn không cần phải nói: "Mẹ không giận con" khi thực tế bạn đang sắp nổi điên lên. Tốt hơn hết là hãy trung thực: "Hành động của con khiến mẹ rất bực bội. Mẹ cần có thời gian để nguôi giận". Ngược lại, nếu bạn hứa đưa con đi xem xiếc vào ngày chủ nhật tuần sau thì bạn hãy cố gắng đừng để kế hoạch đó phải thất bại. Để trẻ biết tôn trọng người khác, trẻ sẽ biết rằng người ta cũng đối xử với mình như vậy.
Theo Thái Hà (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm