Bạo lực nơi học đường- Bài 3: Cảnh báo, không bao giờ là quá muộn!

Những chuyện ngỡ không có thật…

Ngược dòng thời gian, trước đây có một giáo viên mầm non tại quận Tân Phú nhốt bé trai bốn tuổi vào thang máy vận chuyển thức ăn để trừng phạt bé này tội biếng ăn. May là bé được cấp cứu kịp thời, không nguy hiểm tính mạng nhưng tổn thương về mặt tâm lý nặng nề. Cô giáo bị tòa án tuyên bốn năm tù giam và bồi thường thiệt hại, tổn thất tinh thần cho cháu cả trăm triệu đồng.

Một bảo mẫu giữ trẻ ở Bình Dương tắm trẻ bằng chân và tưới nước xối xả vào mặt bé, khiến bé không kịp thở và tìm đường tháo chạy khỏi tay bảo mẫu tàn độc này.

Ở Đồng Nai, một bảo mẫu mầm non tát trẻ khi không chịu ăn.

Một bảo mẫu trường mầm non tư thục tại quận Phú Nhuận dán băng keo vào miệng một bé trai, khiến bé này ngộp thở.

Bạo lực nơi học đường- Bài 3: Cảnh báo, không bao giờ là quá muộn! ảnh 1
Một bé trai bốn tuổi bị cô giáo hành động mạnh tay, may là bé được cấp cứu kịp thời, không nguy hiểm tính mạng nhưng tổn thương tâm lý nặng nề.
Bạo hành với trẻ, vì sao?Một chuyên gia tâm thần học (Bệnh viện tâm thần Trung ương 2) cho rằng: Những giáo viên có hành động đối xử với trẻ mạnh tay, tàn bạo như những sự việc dẫn trên, thường là những người có tiền sử về tâm thần. Họ bị dồn nén, ức chế lâu ngày và sẽ bột phát bất kỳ lúc nào. Họ bị hưng phấn cực độ, ngay thời điểm họ “tra tấn” trẻ con. Lúc đó hành vi thoát khỏi sự điều khiển của họ. Ở những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ… nhu cầu gửi con ở các điểm nhà trẻ rất lớn. Không ít phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản rằng con họ được trông coi, cho ăn uống là được, mà chưa hiểu hết ý nghĩa của việc giáo dục trẻ trong giai đoạn tuổi mầm non là rất quan trọng. Trong khi đó, ở một số điểm giữ trẻ, người ta chỉ quan tâm đến lợi nhuận hơn là chăm sóc, giáo dục trẻ. Phần lớn, các cuộc bạo hành xảy ra ở những lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình tự phát bởi họ chưa được đào tạo tâm lý cũng như nghiệp vụ sư phạm. Theo TS giáo dục Thạch Ngọc Yến, vấn đề bạo hành của một số giáo viên mầm non, bảo mẫu có thể được phát hiện và ngăn chặn, thông qua việc theo dõi, quan sát những biểu hiện tiệm tiến trong sinh hoạt hằng ngày. Theo khảo sát ở một số nước tiên tiến cho thấy: do áp lực của công việc (dạy dỗ khoảng 15-20 cháu/mỗi giáo viên mầm non), và nếu thời gian làm việc kéo dài thì tỉ lệ giáo viên mắc các chứng rối loạn tâm lý có thể tăng lên. Do đó, người ta áp dụng cơ chế kiểm soát định kỳ những hành vi của giáo viên mầm non; đồng thời có chính sách chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho giáo viên mầm non.
ÁI NHÂN - HOÀNG TUYẾT - QUỐC VIỆT
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 185)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm