Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ 'học để làm 4 việc'

"Sau bốn năm làm bộ trưởng GD&ĐT, tôi rút ra học để làm bốn việc. Thứ nhất, học để làm công dân tốt, sống đúng pháp luật; hai là học để có việc làm theo khả năng của mình; ba là học để làm con hiếu thảo, học làm vợ chồng nghĩa tình, học làm cha mẹ biết thương con và dạy con; và cuối cùng là học để đóng góp cho thành phố, cho quê hương, cho nhân loại phát triển".

Đó là những chia sẻ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân với 3.000 học sinh và thầy cô Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong buổi khai giảng năm học mới 2018-2019.

Học sinh lớp 10 THPT Gia Định trong lễ khai giảng.

Bí thư Nhân nói: "Năm nay trở lại nhà trường tôi rất hồi hộp, vì cách đây 58 năm tôi cũng đi khai giảng bước vào học lớp 1, bây giờ gặp các bạn ở đây tôi nghĩ 50 năm sau khi đó các bạn sẽ là người đứng trên bục này để chào các học sinh mới".

Tại buổi nói chuyện với học sinh Trường THPT Gia Định, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ về những kỷ niệm hồi ông còn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng năm học 2018-2019.

Sau đó, Bí thư Nhân mời một bạn bí thư chi đoàn lớp 12 lên để và hỏi: Con học sắp xong rồi phải không, vậy con học để làm gì?

Em Nguyễn Nhật Thùy Dương, Bí thư chi đoàn 12 CV, chia sẻ: “Học trước hết là do ước mong của ba mẹ, sau đó học để rèn luyện bản thân, để tích lỹ thêm những kiến thức, kinh nghiệm để sau này bước ra đời. Sự học không bao giờ hết, học rất nhiều lĩnh vực để hoàn thiện con người mình hơn”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi cho em Nguyễn Nhật Thùy Dương, Bí thư chi đoàn 12 CV.

Sau câu trả lời của Thùy Dương, ông Nhân cho biết đáp án có nhiều phần, phần thứ nhất là học để đền đáp công ơn cha mẹ, cha mẹ thương mình mình học cho cha mẹ vui. Thứ hai là học nhiều để sau này ra làm việc được, làm nhiều điều có ích. 

“Lúc đầu tôi cũng trả lời giống thế này thôi. Sau bốn năm làm bộ trưởng GD&ĐT, tôi rút ra học để làm bốn việc: Một là học để làm công dân tốt, sống đúng pháp luật; hai là học để sau này đi làm có thu nhập, có việc làm tốt theo khả năng của mình; ba là để làm con hiếu thảo, học làm vợ chồng nghĩa tình, học làm cha mẹ biết thương con và dạy con; và cuối cùng là học để đóng góp cho thành phố, cho quê hương, cho nhân loại phát triển”, Bí thư Nhân nói.

Bí thư Nhân cho biết, sau bốn năm làm bộ trưởng GD&ĐT, ông rút ra học để làm bốn việc.

Ông Nhân cho biết học để xây dựng gia đình làm con làm cha mẹ rất quan trọng trong khi đó chương trình mình ít dạy. Hy vọng đây sẽ là ngôi trường góp phần đi đầu đưa nội dung dạy, dạy để biết chọn vợ chọn chồng, dạy để biết làm cha làm mẹ cho các em.

Ông Thiện Nhân nói thành phố này chờ đợi gì các bạn, chờ đợi gì các thầy cô, ai cũng nói đến 4.0, ai cũng nói đến khởi nghiệp sáng tạo mà không biết đất nước trên thế giới này khởi nghiệp sáng tạo tốt nhất lại là một nước rất nhỏ, dân số không bằng TP.HCM, đó là Israel. Israel là cái xứ mà 2/3 là sa mạc không có nước, còn lại là đồi núi, không có đồng bằng. 80% nước uống là lọc từ nước biển lên chứ không có nước ở sông hồ, nắng thì thường xuyên 40 độ. Nhưng đấy là nước có tỉ lệ doanh nghiệp thành công, khởi nghiệp thành công/số dân cao nhất thế giới.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng năm học mới.

“Bởi, học sinh ở đó ngay từ nhỏ khi đi học không bao giờ chịu chấp nhận những điều thầy cô nói là đúng hết, mà có sự trao đổi, phản biện với thầy cô để tìm phương án hay hơn, cho nên văn hóa Israel là văn hóa trao đổi. Bên cạnh đó, văn hóa Israel không coi thất bại là điều đáng xấu hổ, mà thất bại là cơ hội để trưởng thành hơn”, ông Nhân nói.

“Vì thế, qua cuộc nói chuyện này, tôi mong thầy cô hãy tạo một môi trường để các em được hỏi, được tranh luận với nhau. Và đặc biệt thầy cô hãy biết lắng nghe học sinh. Tôi xin chúc sức khỏe các thầy cô, chúc thầy cô luôn tự hào về công việc của mình. Xin chúc học sinh THPT Gia Định năm học mới phát huy truyền thống tự hào 51 năm của nhà trường, truyền thống đất nước và bài học từ kinh nghiệm quốc tế, học để làm người và học để làm thành phố phát triển”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm