Biển Đông và môn Sử

Học sinh đã không thuộc sử nước nhà, tệ hơn, có những công dân trẻ tuổi đó lại viết sai sử, viết xuyên tạc sử. Còn gì đau lòng hơn? Lịch sử truyền thống ngàn đời của dân tộc được in trong sách giáo khoa, được thầy cô truyền dạy, được phổ biến trên sách báo, vậy mà vẫn không nhớ, không thuộc. Thế còn lịch sử của thời gần đây và nhất là những sự kiện hiện tại đang trở thành lịch sử, như sóng gió trên biển Đông, sẽ là thế nào trong tâm thức của thế hệ trẻ? Mà không chỉ là thế hệ trẻ! Lỗi trước hết là của chúng ta đã không biết hoặc đã kém việc viết sử, làm sử và nói sử cho người dân của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc đã ra rả từ hàng chục năm nay trên đài báo, sách vở, trên các diễn đàn, hội nghị, bằng mọi cách tuyên truyền, dạy cho dân nước họ những điều sai trái về Việt Nam liên quan đến những chuyện lịch sử, lãnh thổ, biên giới, ngoại giao giữa hai nước. Nhà ngoại giao Dương Danh Dy, người lâu năm làm việc và nghiên cứu Trung Quốc, cho biết: “Tuyên truyền chính thống của Trung Quốc về Việt Nam rất xấu, có thể nói là “bôi đen” Việt Nam suốt hàng chục năm nay”. Họ làm có tư tưởng chủ đạo, có hệ thống, có đường hướng, có phương cách. Đỉnh điểm của sự man trá biến không thành có về chính trị và ngoại giao này của Trung Quốc là cái gọi là “đường lưỡi bò” trùm phủ gần như hết cả vùng biển Đông thuộc chủ quyền hợp pháp của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cho đến những ngày gần đây nhất, truyền thông Trung Quốc càng tập trung dấy lên một chiến dịch xuyên tạc, bôi bẩn các nước đang đấu tranh chủ quyền với họ trên biển Đông. Rõ ràng họ đang chơi canh bạc “đổi trắng thay đen” lịch sử để ngang ngược và trắng trợn độc chiếm biển Đông.

Việt Nam có đầy đủ những chứng cứ lịch sử xác thực, vững chắc để chứng minh chủ quyền của mình ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không chỉ là những chứng cứ từ trong nước. Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc xuất bản năm 1904 dưới thời nhà Thanh tại Thượng Hải vừa mới được phát hiện đã ghi rõ điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Điều đó có nghĩa là các quần đảo ở biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Còn nhiều những chứng như vậy từ trong các thư tịch, tư liệu ở Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Chúng ta lại còn có những chứng lý để thuyết phục. Nhưng không thể cứ nói khơi khơi, tuyên bố chung chung như vậy là xong. Vấn đề là cách chúng ta giáo dục và tuyên truyền cho nhân dân từ những chứng cứ đó. Tuyên truyền phổ biến rộng khắp, thường xuyên đều đặn. Các trụ sở công quyền và các công sở đều phải có tấm bản đồ địa lý-hành chính Việt Nam ghi đầy đủ cương vực lãnh thổ đất nước. Những người có thẩm quyền về chính trị và học thuật phải lên đài, lên báo nói rõ cho người dân biết về tấm bản đồ của Trung Quốc mới được tìm thấy để mỗi người dân tự mình trang bị cho mình kiến thức và lập luận chống lại luận điệu ăn cướp la làng của Trung Quốc. Phải có chương trình biển đảo cố định thường xuyên phát trên đài truyền hình quốc gia và đài truyền hình của những tỉnh ven biển. Phải có những giờ dạy sử ngoại khóa cập nhật nhanh nhất, chính xác nhất, đầy đủ nhất những thông tin nóng hổi cho học sinh để các em hiểu rằng lịch sử không chỉ là cái đã qua mà còn là cái đang diễn ra lúc này, ở đây. Tuyên truyền sâu rộng trong nước và ra cả nước ngoài. Khi đó lịch sử mới trở thành sức mạnh hiện hữu.

Bởi vì lịch sử là cái sống của con người và con người là sống với hiện tại.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm