Cần giảm dần “ba chung” để bỏ hẳn

Đại diện các trường phía Nam đều nhìn nhận “ba chung” đã không còn thích hợp, cần thay thế bằng hình thức khác, đó là chú trọng đào tạo ở bậc THPT thật tốt.

PGS-TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho biết: Bỏ “ba chung” là hợp lý nhưng phải có bước đi. Trước mắt, nên còn “hai chung” rồi dần giảm xuống đến bỏ hẳn. Khi đó từng trường sẽ chọn lựa điểm vào trường mình chứ không cần điểm sàn vì điểm sàn không nói lên được điều gì”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương Lê Hồng Minh cho rằng: “Cần tập trung đầu tư và bao cấp cho hệ THPT. Chứ hiện nay tiếng Anh, tin học, toán… ĐH hầu như phải đào tạo lại. Nếu THPT đúng nghĩa, thực chất thì ĐH, CĐ mới có nguồn tuyển tốt”.

GS-TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nói: “Việc tuyển sinh là của trường, Bộ không nên làm thay, mà chỉ kiểm tra đầu ra. Phương thức thi tuyển các năm qua theo “ba chung” là do chúng ta băn khoăn kết quả thi tốt nghiệp THPT chưa được tin cậy. Vì vậy hơn lúc nào hết, phải tập trung dạy và học thực chất ở bậc THPT. Lộ trình từ “ba chung” còn “hai chung” sẽ bỏ điểm sàn. Bộ hãy để các trường tự định điểm sàn của trường mình, tức điểm trúng tuyển của từng trường, theo chỉ tiêu được giao”.

Tại hội nghị, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT là kéo dài thời gian tuyển sinh 2011 cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu Bộ giao, có thể hết tháng 12-2011, để các trường công lập vùng, địa phương và ngoài công lập tháo gỡ bế tắc trong tuyển sinh. Đồng thời cho phép các trường ĐH, CĐ khó khăn về nguồn tuyển được xét tuyển cả khối B cho ngành kinh tế và các ngành khác chấp nhận kết quả thi khối B (hiện nay số dôi dư nguồn tuyển của khối B còn nhiều, khối A lại cạn kiệt).

Tuy nhiên, đại diện các trường cho rằng thực ra tuyển sinh đến tháng 12 không có ý nghĩa vì thật sự nguồn tuyển đã không còn, thí sinh tỉnh khác cũng không mặn mà đến một nơi xa hơn để học. Còn việc xin tuyển thêm khối B cho ngành kinh tế và các ngành khác sẽ đi ngược với quy chế của Bộ.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm