Chiến tranh biên giới: SGK sẽ đưa thế nào?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa cho biết Bộ sẽ xem xét đưa các sự kiện như hải chiến Hoàng Sa (năm 1974), cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979), trận chiến trên đảo Gạc Ma, Trường Sa (năm 1988)... vào sách giáo khoa (SGK) lịch sử mới.

Chiều 24-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết Bộ tiếp thu ý kiến của các nhà sử học, người dân về vấn đề này và sẽ đưa vào khung chương trình bộ môn với dung lượng thích hợp. Hiện chưa thể nói được là sẽ đưa vào những nội dung gì và đưa mức độ nào vì còn vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trong lúc chưa có bộ SGK mới, Bộ khuyến khích các trường học, tổ bộ môn sử đưa nội dung trên vào bài giảng hoặc có thể là hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, như nhiều trường đã làm.

Các học sinh đang lắng nghe Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể chuyện lịch sử. Ảnh: TL

Không công bằng với lịch sử

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết cách đây hơn chục năm, khi tham gia viết SGK lịch sử, ông đã tha thiết đề nghị phải đưa vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc vào SGK lịch sử phổ thông nhưng không được chấp nhận.

“Từ năm 2012 cho đến nay, SGK lịch sử phổ thông vẫn giữ nguyên như cũ, chưa có thêm một dòng một chữ nào về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo trong sách giáo khoa lịch sử phổ thông cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang còn rất mơ hồ” - GS Ngọc nói.

ThS Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, cho rằng việc lãnh đạo Bộ GD&ĐT tuyên bố sẽ đưa các kiến thức về vấn đề chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc năm 1979 là quyết định đúng dù muộn màng. “Tại sao những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chúng ta lại nói nhiều, trong khi đó cuộc kháng chiến chống Trung Quốc lại ít được nhắc tới? Không đưa những vấn đề trên vào SGK là không công bằng với lịch sử và có lỗi với những người đã hy sinh vì Tổ quốc” - ông Hiếu nói.

Theo thầy Hiếu, bây giờ phải kịp thời chỉnh sửa, bổ sung những kiến thức cơ bản đó vào chương trình giảng dạy môn lịch sử. Việc đưa những vấn đề chủ quyền biển, đảo và cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới không phải là khắc sâu nỗi đau mà là giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức, tinh thần cảnh giác trước những âm mưu bành trướng; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.

Chương riêng về chiến tranh bảo vệ biên giới

GS-NGND Vũ Dương Ninh, người từng là đồng chủ biên bộ SGK lịch sử, đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT sẽ đưa vào chương trình SGK nội dung về trận hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Theo GS Ninh, nguyên tắc chung là phải viết một cách khách quan sự thật lịch sử, cung cấp cho học sinh kiến thức về những sự việc đã diễn ra, qua đó làm rõ tính chất của những cuộc đấu tranh này.

GS Ninh cho rằng SGK lịch sử nên có một chương riêng lấy tên là “Cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo” hoặc “Cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc”, trong đó nêu ba cuộc đấu tranh chính: Đấu tranh biên giới Tây Nam, đấu tranh biên giới phía Bắc và đấu tranh bảo vệ biển, đảo. Cần làm cho học sinh hiểu được những sự việc đã diễn ra, tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu bành trướng, xâm phạm lãnh thổ đất nước ta.

Về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cần làm rõ quân Khmer Đỏ tấn công xâm lược các tỉnh biên giới, Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cần nêu bật sự kiện 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược các tỉnh biên giới nước ta. Cần làm rõ sự thật khách quan và phân tích rõ tính chất của cuộc chiến là Việt Nam đấu tranh chống quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời nêu lên những tấm gương hy sinh của bộ đội và nhân dân trong cuộc đấu tranh quyết liệt này.

Về biển, đảo cần làm rõ âm mưu và hoạt động của phía Trung Quốc tìm cách xâm chiếm biển Đông từ cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 đến cuộc chiến Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988, làm rõ ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong việc xây dựng các đảo đá ở Trường Sa, từng bước quân sự hóa khu vực này, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây tình hình không ổn định ở biển Đông và khu vực.

Có sự phối hợp giữa các giáo viên

Theo GS Ninh, những nội dung trên sẽ đưa vào theo cấu trúc của chương trình SGK. Ở THCS chủ yếu nêu các sự kiện chính thông qua các câu chuyện lịch sử. Ở cấp THPT, cần phân tích sâu hơn về tính chất chính nghĩa và nêu bật tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân ta.

GS Ninh cho rằng bên cạnh SGK là tài liệu chính cần có những tài liệu tham khảo, phim ảnh, hoạt động ngoại khóa như tham quan bảo tàng, di tích lịch sử… Trong việc giáo dục, cần có sự phối hợp giữa các giáo viên lịch sử, văn học, địa lý, công dân giáo dục… để học sinh hiểu biết về những vấn đề của đất nước, có thái độ cảnh giác cao và tinh thần sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ công dân trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

 

PGS-TS Nghiên Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người được mời tham gia biên soạn chương trình SGK tổng thể cho biết hiện Bộ đang chỉnh sửa nội dung, dự kiến sẽ đưa nội dung chủ quyền biển, đảo, chiến tranh bảo vệ biên giới vào cả ba cấp học. Tùy theo mỗi trình độ sẽ có nội dung cho phù hợp. Ví dụ, bậc tiểu học sẽ giới thiệu các địa danh lịch sử, tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ; cấp THCS sẽ mô tả đậm nét hơn diễn biến và kết quả các cuộc chiến đấu…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm