Chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017

Thứ trưởng Ga thông tin sẽ có năm bài thi gồm ba bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ; hai bài thi tổ hợp: khoa học tự nhiên (tổ hợp vật lý - hóa học -sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp lịch sử - địa lý - giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp lịch sử, địa lý đối với giáo dục thường xuyên).

Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH-CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới).

Các bài thi toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính; bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Theo đó, thí sinh giáo dục THPT thi bốn bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm ba bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả năm bài thi, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh giáo dục thường xuyên thi ba bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm hai bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn) và một bài thi tự chọn (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả bốn bài thi, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh có thể thi thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH-CĐ nếu có nguyện vọng.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi, phù hợp với tổ hợp bài thi môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH-CĐ.

Thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2017 theo quy định trong đề án tuyển sinh của các trường.

Năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 cấp THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 cấp THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trongcChương trình cấp THPT. Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH-CĐ.

Thứ trưởng Ga tại buổi họp báo chiều nay.

Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm; đề thi của bài thi toán, bài thi ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có bốn phương án trả lời với duy nhất một phương án trả lời đúng, đề thi bài thi ngữ văn có phần đọc hiểu và phần làm văn.

Thời gian làm bài thi mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội là 50 phút; bài thi ngữ văn 120 phút; bài thi toán 90 phút; bài thi ngoại ngữ 60 phút.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ kết hợp sử dụng kết quả bốn bài thi tốt nghiệp (thí sinh giáo dục THPT) hoặc ba bài thi tốt nghiệp (thí sinh giáo dục thường xuyên) và điểm trung bình cả năm lớp 12, cùng điểm ưu tiên, khuyến khích.

Phương thức tính điểm các môn thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỉ lệ 50:50. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT thông tin chi tiết về điểm liệt của mỗi bài thi. Theo đó, điểm liệt của mỗi bài thi độc lập và thành phần của bài thi tổ hợp là 1 điểm.

Về việc xây dựng ngân hàng đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết đã tập hợp lực lượng giáo viên nhiều kinh nghiệm theo từng môn. Nhóm ra đề thi sẽ làm việc vào tháng 10 tới. Dự kiến đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được tổ chức thi hai ngày trong tháng 6-2017. Ngày thứ nhất, buổi sáng thi ngữ văn và ngoại ngữ, buổi chiều thi toán. Ngày thứ hai: Sáng thi khoa học tự nhiên, chiều thi khoa học xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm