Chưa thể giảm dạy thêm, học thêm khi chỗ học 2 buổi/ngày còn hạn chế

Theo Phó Thủ tướng, giáo dục của chúng ta đang trong quá trình đổi mới và còn nhiều điều chưa hài lòng. Bởi lẽ trong quá trình chuyển đổi, chúng ta phải làm các bước đi trung gian để tiến đến chuyển đổi. Đã là bước đi trung gian thì không bao giờ có thể toàn vẹn. Cụ thể như các giải pháp không chấm điểm chỉ nhận xét, các mô hình giáo dục mới, phân luồng theo thế giới…

Phó Thủ tướng ví dụ, trước khi thực hiện đổi mới chúng ta có tới bốn kỳ thi và xã hội có nhiều bức xúc. Hai năm vừa qua chúng ta đổi mới dần dần và khá thành công. Năm 2015 chúng ta thực hiện thi ở một nửa số tỉnh, đến năm 2016 chúng ta tổ chức thi ở tất cả tỉnh, thành và cũng đổi mới việc ra đề thi.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng để đáp ứng xu thế của giáo dục, tới đây học phí phải được nghiên cứu theo đúng xu thế. Học phí đại học thì theo tinh thần như tự chủ các trường đại học, còn ở phổ thông nên chăng tới đây miễn học phí THCS thì phải cần làm đề án để trình một cách cụ thể. 

“Hay như chuyện dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục rất nỗ lực để kéo giảm nhưng nó phụ thuộc nhiều yếu tố như sự gương mẫu của giáo viên, trường lớp… Nếu chúng ta  đủ trường lớp để các cháu học hai buổi/ngày thì áp lực dạy thêm, học thêm sẽ bớt đi nhưng rất khó. Ngay cả ở các nước tiên tiến khác, học sinh được học hai buổi/ngày mà con cháu chúng ta chỉ học một buổi thì có thông minh mấy cũng không thể theo họ được” - Phó Thủ tướng thẳng thắn.

Vì thế, theo Phó Thủ tướng, cần tăng cường hơn nữa xã hội hóa đầu tư để có thêm trường, thêm lớp, tạo những điều kiện căn bản để các trường có thể tự chủ được. Bộ và các tỉnh thay vì cho thì phải có các gói ưu đãi để các trường vay dài hạn với lãi suất thấp để thu hút đầu tư, nhất là ở ĐH. Còn tự chủ về mặt cán bộ, chương trình học thì Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT đang tích cực bàn để thực hiện.

Học sinh tiểu học tại TP.HCM phấn khởi trong ngày khai giảng năm học 2015-2016

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nghề nghị trong năm học tới, ngành giáo dục phải làm sao để học sinh thực sự là trung tâm.

“Đơn cử như đổi mới khai giảng, phải coi các em là nhân vật chính để tổ chức sao cho phù hợp. Rồi quan tâm đến nhà vệ sinh trong trường cho các em sao cho phải thật sạch sẽ. Chúng ta cũng cần khôi phục lại ở học sinh sự kỷ cương, tự lập, biết lao động như phân công trực nhật, vệ sinh trường lớp... Chúng ta phải quyết tâm làm lại đúng tinh thần học sinh làm trung tâm với mục tiêu là phát triển toàn diện cả về đạo đức, thể chất” - Phó Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã đề ra 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp để triển khai phương hướng cho năm học 2016-2017:

I. Nhiệm vụ:

1. Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn quốc;

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;

3. Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông;

4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục;

6. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học;

7. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo;

8. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo;

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

II. Giải pháp:

1. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo;

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp;

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo;

4. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục;

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm