Chương trình GD tổng thể: Cắt giảm tiết học tùy tiện

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đã được Bộ GD&ĐT thông qua ngày 28-7. Theo Bộ GD&ĐT, đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Nếu so với bản dự thảo hồi tháng 4-2017 thì Chương trình GDPT tổng thể của Bộ GD&ĐT mới được thông qua có nhiều chi tiết thay đổi, chẳng hạn như điều chỉnh một số “năng lực cần đạt”, bớt một số môn, sửa tên gọi một số môn học, giảm thời lượng của nhiều môn học… Tuy nhiên, về thực chất, những sự bất cập trong bản dự thảo cũ vẫn tồn tại nguyên vẹn trong văn bản mới này khiến cho nó vẫn thiếu tính khả thi.

Cụ thể, văn bản mới của Bộ vẫn không đề cập triết lý giáo dục nên từ đó dẫn đến những sự bất cập về mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá của chương trình GDPT tổng thể này. Riêng về nội dung chương trình, những sự sửa đổi tên môn học, cắt giảm một số môn học hay giảm thời lượng của các môn học chỉ là sự thay đổi về hình thức mà không chuyển biến về thực chất bên trong chúng. Chẳng hạn, trong bản dự thảo cũ “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” là một sự nhầm lẫn giữa hoạt động ngoại khóa của học sinh với môn học chính khóa thì văn bản mới sửa thành “hoạt động trải nghiệm” (bỏ hai chữ “sáng tạo”) cũng không làm rõ hơn đó là cái gì để có thể áp dụng, mà lại khiến cho nội dung môn học này thêm mù mờ.

Các học sinh Trường Tiểu học Ngọc Hồi, quận Tân Bình (TP.HCM) trao đổi học tập tại thư viện. Ảnh: HTD

Mặt khác, sự cắt giảm mạnh số tiết học ở nhiều môn đã được tiến hành một cách tùy tiện để tạo ra cảm giác “giảm tải” nhưng thực chất vẫn không giảm mà còn có thể “tăng tải” cho các môn đó. Bởi vì giữa thời lượng và dung lượng của chương trình có mối tương quan mật thiết: Dung lượng nào thì phải có thời lượng ấy để đáp ứng cho nó; nếu giữ nguyên dung lượng kiến thức mà lại cắt giảm thời lượng của môn học thì đó chính là tăng tải khiến cho học sinh không sao tiếp thu nổi.

Thí dụ điển hình cho trường hợp này là thời lượng môn tiếng Anh ở bậc THCS với ba tiết/tuần. Các nhà chuyên môn đã chỉ ra rằng thời lượng đó không đủ để đạt mục tiêu môn học của bậc học (ít nhất phải năm tiết/tuần) nhưng Bộ vẫn giữ nguyên thời lượng đó vì cho rằng thế mới là “giảm tải” (!). Lưu ý rằng quan điểm “giảm thời lượng tức là giảm tải” đó của Bộ không chỉ áp dụng cho chương trình tiếng Anh THCS, mà cho một loạt môn được Bộ cắt giảm mạnh số tiết học. Qua đó có thể dễ hình dung chương trình GDPT tổng thể mới được thông qua này sẽ khó đạt hiệu quả giáo dục như mong muốn!

Một số ý kiến tại diễn đàn quan tâm tới giáo dục

- Lớp 1 quá nặng về học kiến thức. Chương trình hiện nay chỉ mới có toán và tiếng Việt mà các cháu đã phải đi học thêm từ lớp mẫu giáo để biết chữ trước khi đi học. Nay nhồi thêm môn ngoại ngữ nữa thì không biết sẽ ra sao? Cấp tiểu học mà hoạt động thể chất, nghệ thuật vẫn nguyên si số tiết như ngày xưa. (Mai Pham)

- Tất cả nằm ở chỗ số giáo viên trên đầu học sinh quá ít (phải giảm một nửa số học sinh mỗi lớp) và kỹ năng mềm của giáo viên quá yếu (phải sửa từ giáo viên). Cải cách gì mà không giải quyết hai vấn đề này thì cũng vô ích. (Minh Vu)

- Thay vì tăng thêm hai tiết thể dục/tuần cho lớp 1, 2 thì lại bổ sung thêm hai tiết ngoại ngữ 1. Chương trình vẫn quá nặng về các môn học nền tảng. Tôi không biết sao nhưng cháu tôi ở Mỹ học rất nhẹ nhàng, mà lại không thể vẹt được. Có rất nhiều cuộc thi, hoạt động trong tuần. Tiểu học mà có những giờ được học nhạc cụ theo sở thích. Tại sao người ta thiết kế một buổi học cho học sinh khá căng, từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều rồi về (không nghỉ/ngủ trưa gì) mà học sinh vẫn có thể học tốt và hứng thú được? (Trần Thị Kim Hạnh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm