Chương trình PT mới: "Chưa đảm bảo thì nên xin lùi"

Sáng 21-8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Tại hội nghị, sau phần báo cáo ngắn gọn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đại biểu dành thời gian thỏa đáng để thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành trong năm học tới, “xem các nội dung này đã đúng, trúng chưa; từ đó cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: plo.vn

Lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới

Đó là ý kiến của lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương tại hội nghị. Đại diện Sở GD&ĐT các địa phương băn khoăn điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều nên cần có thời gian để chuẩn bị kỹ mới áp dụng chương trình đổi mới.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Phạm Văn Hùng, đánh giá chương trình giáo dục mới khá hoàn chỉnh, việc dạy và học thiết kế theo hướng tích hợp, có hướng nghiệp cao, chú trọng phát huy năng lực học sinh. Cơ cấu môn học, dung lượng kiến thức được cân đối phù hợp.

Hiện tỉnh có 17.000 giáo viên, theo đó công tác bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ trực tiếp triển khai chương trình mới cần có thời gian để chuẩn bị chu đáo, căn cơ hơn. Theo đó, ông Phạm Văn Hùng đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị với Chính phủ lùi thời gian thực hiện chương trình mới một năm, thay vì thực hiện trong năm học 2018, để địa phương có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, cho rằng lộ trình chuẩn bị thực hiện chương trình đổi mới đã được Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm túc bài bản. Tuy nhiên, do địa bàn có một số huyện miền núi nên việc đầu tư cơ sở vật chất giáo dục còn khó khăn, do vậy khi áp dụng thực hiện chương trình đổi mới đúng hạn sẽ gặp khó khăn.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, thì việc lùi một năm không quan trọng lắm. “Nói là đổi mới toàn diện từ chương trình cho tới sách giáo khoa vì vậy điều kiện cũng phải đồng bộ. Trong một năm liệu có đảm bảo được những điều kiện này không?” - bà Giang đặt câu hỏi. Theo bà Giang, Bộ GD&ĐT nên triển khai từng nội dung chứ không nên đồng loạt cùng một lúc, bởi làm như vậy sẽ không thể kham nổi. “Phải xác định rõ làm ở đâu, bắt đầu từ vấn đề gì, nội dung gì để làm dần chứ đồng loạt một lúc thì không được”.

"Người thầy không đổi mới, học sinh thiệt thòi”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khái quát một số thành tựu của ngành giáo dục năm học vừa qua như hoàn thành phổ cập mầm non, ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH… Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều điểm mà ông cho là vẫn còn bất cập của ngành giáo dục: Quản lý nhà nước, quản trị ĐH, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non “còn nhiều thứ phải làm”; triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bị chậm; chưa chú ý việc dạy toàn diện con người; thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương; không có kế hoạch bồi dưỡng để chuyển đổi; chưa chú ý giáo dục thường xuyên.

Đề cập về đổi mới, Phó Thủ tướng nói: “Khi tôi theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn và khi tiếp xúc với nhân dân, ý thức về mục tiêu đổi mới trong toàn xã hội là sâu sát hơn nữa. Cái này hỏi ai ở bên ngoài, từ người bán hàng nhỏ lẻ đến kỹ sư, bác sĩ đều nói về điều này rất hào hứng và ý thức về hướng đổi mới”.

Trước băn khoăn của một số địa phương về việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng cho rằng việc này những năm qua đã làm rồi nên cần phải làm mạnh mẽ, chất lượng hơn. Đổi mới chất lượng là trên hết, làm một lần để áp dụng cho nhiều năm. Vì vậy trong quá trình chuẩn bị nếu thấy chưa đảm bảo về chất lượng, Bộ có thể đề nghị Chính phủ, Quốc hội xin lùi thời điểm thực hiện, tuy nhiên khâu quan trọng nhất là phải đưa được tinh thần đổi mới vào ngay từ bây giờ. “Tinh thần đổi mới cần hướng đến từng giáo viên. Người thầy đổi mới sẽ có những thế hệ học sinh tốt, ngược lại người thầy không chịu đổi mới, học sinh sẽ chịu thiệt thòi” - Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD&ĐT cần phải có nhiều đổi mới kỹ thuật trong việc triển khai các kỳ thi, trọng tâm là làm đề thi. Trên tinh thần vì học sinh, Bộ GD&ĐT cần phải làm việc với các trường để đánh giá có nên tổ chức các bài thi tổ hợp, tránh mệt mỏi cho học sinh. Ngoài ra, Bộ cần rà soát những quy định cứng nhắc, những chỉ đạo có tính chất cầm tay chỉ việc, các loại quy chuẩn hình thức áp từ trên xuống. Quan điểm không bỏ hết phong trào thi đua nhưng phải thực chất.

Một lần làm một lần khó

 Quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng với Bộ GD&ĐT làm sao có chương trình phổ thông tốt nhất cho các em, vì một lần làm là một lần khó.

Chúng ta phải chuẩn bị chương trình, phương pháp trọn vẹn, sau đó chuẩn bị thầy cô. Một điều rất thử thách nữa là chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất. Chúng ta làm thật chậm và thật kỹ. Điều kiện của chúng ta còn rất khó khăn, chúng ta phấn đấu chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện đại đa số của con em chúng ta. Chương trình của Bộ cũng tránh thay đổi nhiều, gây biến động trong xã hội.

Băn khoăn nhất là vùng sâu, vùng xa, con em dân tộc. Chương trình các em học phải giống chương trình miền xuôi không? Ngày có học hai buổi không? Chúng ta không đặt các em thấp hơn học sinh đô thị, đồng bằng nhưng phải đặt chương trình phù hợp với điều kiện của các em.

Ông PHAN THANH BÌNH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội

_______________

Xem lại thời gian nghỉ hè

Đề nghị ngành giáo dục bàn bạc, xem xét lại thời gian nghỉ hè của học sinh hiện nay, vì thời gian nghỉ hè kéo dài. Thời gian nghỉ hè ở Việt Nam từ trước đến nay liệu có còn phù hợp? Mặt nào được, mặt nào không được? Trong đó cần chú ý ở đô thị, thời gian nghỉ hè dài quá khiến nhiều cha mẹ trẻ rất khó khăn trong việc giữ con. Trong năm tới, Bộ GD&ĐT cần bàn kỹ vấn đề này.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm