Chuyện dài chữ nghĩa

Đơn cử từ “ngân hàng” vốn nguyên ngữ là nơi giữ và kinh doanh tiền bạc nhưng đã bị lạm dụng và dùng quá sai, như cụm từ “ngân hàng tinh trùng”,“ngân hàng máu”, “ngân hàng đề thi”… và mới nhất, thời sự trên VTV1 cho biết là từ năm 2010, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có sáng kiến lập ngân hàng… bò để tặng cho những gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Theo cái đà này rồi đây sẽ có thêm những “ngân hàng heo, ngân hàng gà, ngân hàng cá” v.v… Tiếng Việt đâu nghèo từ ngữ đến mức đó? Thay vì gọi là “ngân hàng”, tại sao không gọi đúng tên là kho hay quỹ dự trữ tinh trùng, dự trữ máu, quỹ đề thi? 

Còn những người trẻ bây giờ hình như họ cố ý làm méo mó, làm mất đi tính văn hóa và văn minh mà ngôn ngữ vốn đã tạo ra từ hàng ngàn năm qua. Không chỉ đám trẻ cắt gọt quá đà làm lệch ngữ nghĩa của ngôn ngữ viết qua các hình thức tin nhắn, hay một số tiếng lóng trong giao tiếp của lứa tuổi học trò, mà cả những người thường xuyên sử dụng ngôn ngữ cả nói và viết trong nghề nghiệp đặc thù như PV, biên tập viên báo chí. Trong nghề báo, gồm cả báo viết, báo nói, báo hình thì bộ phận biên tập cực kỳ quan trọng. Nhiều tác phẩm báo chí sai sót, lệch lạc, méo mó do người biên tập kém. Đài truyền hình bây giờ không còn thấy phát thanh viên mà hầu hết là do các biên tập viên kiêm nhiệm, vừa biên tập vừa xướng ngôn kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên đã xảy ra nhiều sai sót không đáng có. Nhưng có lẽ do quyền lực của biên tập viên đài truyền hình quốc gia quá lớn nên họ chẳng thèm nghe những góp ý phê bình, kể cả góp ý của những nhân vật uy tín trong xã hội. Như nhà phê bình văn học nổi tiếng Lại Nguyên Ân có lần quá bức xúc đã phải thốt lên “các biên tập viên VTV đang làm méo mó ngôn ngữ Việt”. Đặc biệt các bình luận viên bóng đá quốc tế trên VTV, ngoài chuyện thường đọc sai tên cầu thủ, tên đội bóng nước ngoài, vẫn hay dùng nhiều từ tiếng Việt sai khi bình luận. Họ nhầm “Quốc ca” với “Quốc thiều”. Quốc ca vừa có nhạc vừa có lời hát, còn Quốc thiều chỉ có nhạc điệu thôi nhưng lúc nào mấy ông bình luận viên cũng bảo “Quốc ca” nước X, nước Y, khi Quốc thiều trỗi nhạc. Hay một từ nghe rất chướng tai nhưng các nhà bình luận vẫn thường xuyên vô tư nói: Đó là khi một đội bóng bị dẫn trước, cầu thủ đội đó ghi được bàn thắng quân bình tỉ số thì hầu hết quý vị bình luận viên trên VTV đều nói là đã “chan hòa” tỉ số! Chỉ có thể dùng hai từ Hán Việt là “quân bình” tỉ số hay “cân bằng” điểm số; hoặc thuần Việt là “gỡ hòa” chứ nói không thể nói “chan hòa”. Chan hòa nghĩa là: 1/tràn đầy, đều khắp. Ví dụ: cánh đồng chan hòa ánh nắng; 2/ hòa vào nhau, không xa lạ cách biệt. Ví dụ: sống chan hòa với mọi người (Tự điển tiếng Việt, Bùi Đức Tịnh biên soạn, NXB Văn hóa Thông tin 2009).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm