Có nên bỏ phần tự luận môn ngoại ngữ?

Nhiều chuyên gia cho rằng 20% phần tự luận môn ngoại ngữ có sự phân hóa không cao, cộng thêm các phiền toái khi làm phách, quy đổi điểm để ráp với phần trắc nghiệm dễ có sai sót. Tỉ lệ thí sinh làm phần tự luận đạt điểm không nhiều và việc tính toán thù lao chấm thi thấp khiến giáo viên không mặn mà.

Mức độ phân hóa không cao

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng mức độ phân hóa đánh giá 20% phần tự luận tiếng Anh không cao. Cộng thêm đó nhiều phức tạp như phải lập thêm ban bệ chấm thi y như chấm phần trắc nghiệm. Trong khi khối lượng phần tự luận chỉ chiếm 20% nên phần thù lao chấm thi cũng rất thấp, thậm chí giáo viên chấm thi còn bảo chấm miễn phí. Một rắc rối khác là việc làm phách môn ngoại ngữ cũng khiến các trường ngán ngẩm do phải tách bạch hai phần trắc nghiệm và tự luận.

Theo ông Lý, thống kê bài thi môn ngoại ngữ cho thấy số em làm phần tự luận đạt điểm rất thấp, do các em tập trung thời gian làm phần trắc nghiệm đến hết giờ.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá do phần trắc nghiệm chiếm 80% điểm số bài thi nên các em thường có tâm lý tập trung làm phần này cho chắc ăn. “Thống kê từ các bài thi môn ngoại ngữ năm ngoái tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật có gần 50% bài thi phần tự luận có điểm thấp, thậm chí nhiều bài 0 điểm”.

Theo ông Dũng, ý tứ của Bộ GD&ĐT đưa phần tự luận vào bài thi để phát triển các kỹ năng viết, tuy nhiên đây là phần thi chung đầu vào của các trường ĐH chứ không phải là khối chuyên ngữ nên mức độ làm bài trắc nghiệm là đảm bảo, còn trong quá trình học tùy theo đặc thù từng ngành các em có thể học thêm hoặc nhà trường siết thêm phần ngoại ngữ. Ngoài ra, do chỉ chiếm 20% nên barem điểm rất nhỏ, phải chấm hết sức chi li mới đảm bảo không sai sót.

Học sinh THPT các địa phương tìm hiểu thông tin tuyển sinh các trường ĐH, CĐ năm 2016 tại TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Đề thi chuẩn vẫn phân loại năng lực tiếng Anh

Ông Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng các bài thi TOEFL ITP và TOEIC của ETS, Hoa Kỳ đều không có phần tự thi viết nhưng vẫn được công nhận là chuẩn quốc tế. Theo đó, đề thi thuần túy trắc nghiệm nếu được thiết kế chuẩn mực vẫn có thể phân loại được năng lực tiếng Anh của học sinh (HS). Đối với phần thi viết có thể thiết kế theo dạng thức câu cho hình thức trắc nghiệm chứ không nhất thiết là hình thức viết, trong khi HS chưa đáp ứng kỹ năng này để làm bài thi. Cụ thể, phần thi viết thường thiết kế cho một câu gốc, yêu cầu thí sinh viết lại theo một cấu trúc khác hoặc thay thế bằng từ vựng mà nội dung không thay đổi. Đồng thời đưa ra các đáp án A, B, C, D để thí sinh lựa chọn.

Đại diện Trường ĐH Đà Nẵng kiến nghị nếu kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục duy trì thi tự luận thì nên tách bạch hẳn ra. Theo đó, thí sinh khi làm xong phần trắc nghiệm sẽ nộp bài, sau đó tiếp tục thi phần tự luận, bởi qua theo dõi cho thấy kỳ thi trước, đa phần thí sinh bỏ trắng phần thi viết. ThS Hồ Văn Bình, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ - Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng nếu mục tiêu kiểm tra trình độ viết của thí sinh thì vẫn có thể có cách ra đề. Ví dụ, thay vì thi viết nên xây dựng cấu trúc đề theo hai dạng, thứ nhất là biến đổi câu mà nội dung không thay đổi so với câu gốc, thứ hai cho từ để sắp xếp thành câu hoàn chỉnh và đưa ra các đáp án A, B, C, D để thí sinh lựa chọn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của giáo viên cho biết kỳ thi đã quá gần. Thời gian qua, giáo viên cũng như HS đã học và ôn tập theo cấu trúc đề thi năm trước. Bộ không nên xáo trộn ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh.

Hướng đến dạy và học ngoại ngữ đủ kỹ năng

Trước các ý kiến đề xuất về vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, giải thích Bộ đang hướng đến việc dạy ngoại ngữ theo hướng rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nên hai năm qua trong đề thi có phần thi tự luận. Phần thi này dễ, không khó nhưng là bước đầu để tiếp tục triển khai theo hướng trên. Theo Đề án dạy học ngoại ngữ 2020, HS tốt nghiệp THPT phải đạt trình độ ngoại ngữ tương đương B1 theo khung tham chiếu châu Âu.

Bộ GD&ĐT xác định trong những năm trước mắt, đề thi ngoại ngữ bảo đảm phù hợp với chương trình bộ môn hiện hành (học trong 7 năm) nên yêu cầu năng lực tương ứng bậc 2, khung 6 bậc VN, tương đương A2, khung tham chiếu châu Âu. Trong những năm sau, khi HS học chương trình 10 năm, đề thi sẽ yêu cầu năng lực bậc 3, khung 6 bậc VN, tương đương B1, khung tham chiếu châu Âu. Theo tiêu chuẩn này thì kỹ năng viết của HS phải ở mức độ: “Có thể viết những cụm từ hay những câu đơn giản về gia đình, điều kiện sống, quá trình học tập và công việc hiện tại..."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm