Có những người gieo chữ như thế

Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 là một phần thưởng tri ân xứng đáng dành cho những nhà giáo đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp, sẵn sàng vượt qua những khó khăn để mang lại kiến thức cho học trò.

Giã từ sàn đấu, thành giáo viên đầy tâm huyết

Cao Ngọc Phương Trinh, “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam một thời, hôm nay lại đứng trên bục sân khấu, hạnh phúc khi được vinh danh ở giải thưởng Võ Trường Toản. Cô hiện là giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM.

Ánh mắt lấp lánh niềm vui, cô Phương Trinh tâm sự: “Cảm giác lúc này giống như khi tôi đứng trên bục vinh quang nhận huy chương vàng hồi còn là một vận động viên (VĐV) judo. Cho dù ở bất kỳ cương vị nào, tôi vẫn luôn cố gắng hết mình, luôn vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp của mình”.

Cô chính là VĐV judo từng đoạt huy chương vàng ba kỳ liên tiếp ở đấu trường SEA Games và là VĐV Việt Nam đầu tiên giành quyền tham dự Olympic. Cứ ngỡ rằng tất cả thành công đang chờ đón cô phía trước vậy mà một tai nạn đến bất ngờ khiến cô phải từ giã sàn đấu khi mới hơn 20 tuổi, phong độ đang ở đỉnh cao.

Nhắc đến câu chuyện trên, ánh mắt cô phảng phất nỗi buồn. Thế nhưng khi nói đến nghề giáo, nhắc tới học trò, cô lại khiến buổi nói chuyện hào hứng trở lại. “Sau khi chia tay với thể thao chuyên nghiệp, tôi đến với nghề giáo như một cái duyên. Bố tôi là giáo viên và trước đây khi từng là VĐV, bản thân tôi luôn thần tượng các thầy, cô giáo đã dạy mình. Vì thế, tôi mong muốn đem kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân có được truyền thụ lại cho các em” - cô giáo Phương Trinh tâm sự.

Phương Trinh cho biết gần gũi để học sinh (HS) tin tưởng gửi gắm niềm tin, mạnh dạn trong quá trình học là điều cần thiết. Vì thế, trong quá trình dạy cho các em, cô luôn cố gắng tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái, động viên học trò để các em tự thể hiện bản thân. “Đối với tôi, judo là thể thao, là giải trí, là rèn luyện sức khỏe, là nỗ lực vượt qua bản thân mình” - cô giáo Phương Trinh nói.

Không chỉ là một cô giáo có chuyên môn giỏi, cô Phương Trinh còn luôn có tinh thần học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Cô tâm sự từ lĩnh vực thể thao chuyển sang giáo dục, bản thân đã gặp không ít khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức cho các em. Bởi vì huấn luyện cho VĐV dù cũng ở lứa tuổi HS nhưng rất khác với các em trong môi trường học đường.

“Vì thế, tôi phải luôn nghiên cứu sách vở, tìm phương pháp nào để các em dễ thực hiện nhất. Đặc biệt, tôi luôn học hỏi đồng nghiệp để bổ sung kinh nghiệm cho mình. Chỉ cần bước ra sàn đấu, được đối diện với HS trong các tư thế là tôi thấy vui. Vui vì tôi được sống với đam mê, sống với nghề mình đã chọn. Đặc biệt, điều quan trọng là được truyền đạt kiến thức cho các em” - cô Trinh giãi bày.

Cô Nguyễn Mỹ Hạnh (giữa) cùng người thân tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản.

Cô Cao Ngọc Phương Trinh rạng ngời tại lễ vinh danh.  Ảnh: THỦY TRÚC

Cô giáo có biệt tài “trị” học trò cá biệt

Là một trong 50 giáo viên nhận được giải thưởng Võ Trường Toản, cô Nguyễn Mỹ Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, cho biết điều khiến cô tâm đắc nhất trong quá trình dạy học chính là việc bản thân đã cảm hóa được nhiều HS cá biệt.

“Nhắc đến giáo dục HS cá biệt, tôi lại nhớ đến trường hợp lúc tôi chủ nhiệm lớp 3. Đó là một bé gái từ Điện Biên chuyển vào. Cứ mỗi lần vào lớp, em không nói gì, ngồi im một góc, mắt lúc nào cũng ngấn lệ. Tôi đến gần làm quen, hỏi chuyện với em. Nhưng em chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến việc học, còn lại em đều im lặng. Tôi chỉ hiểu rõ về hoàn cảnh mà em gặp phải khi đến ngày 20-11” - cô Hạnh nhớ lại.

Cô Hạnh kể tiếp: “Hôm đó phụ huynh của em tới thăm tôi. Khi nhắc đến những biểu hiện của em trong lớp, hai mẹ con ôm nhau khóc. Chị cho biết đã ly dị, vừa lấy chồng mới. Người chồng sau không đồng ý để chị nuôi con. Vì thế, chị phải gửi con cho gia đình người bạn. Điều đáng nói là gia đình này cũng khó khăn, kèm với việc thiếu tình thương của mẹ nên bé như thế. Nghe tới đây, tôi đã khóc. Và sau khi suy nghĩ, gia đình tôi quyết định nhận bé về nuôi. Bé sống với nhà tôi suốt một năm. Kể từ đó bé vui vẻ hẳn, việc học cải thiện dần. Sau đó bé trở về đoàn tụ cùng với mẹ. Đến bây giờ tôi và bé vẫn còn liên lạc với nhau”.

Theo cô Hạnh, đối với bậc tiểu học, giáo dục HS cá biệt có nghĩa là các bé đặc biệt hơn những HS khác về hành vi, nhận thức, tính cách, học lực. Muốn giúp đỡ các bé, trước hết giáo viên cần phải gần gũi bé, hiểu rõ về hoàn cảnh, về những khó khăn mà bé đang gặp phải. Từ đó có nhiều biện pháp giúp bé hòa đồng, theo kịp bạn bè, giúp bé có sự chuyển biến tốt hơn.

“Dạy trẻ, điều quan trọng là làm sao để trẻ cảm thấy cô giáo luôn yêu thương mình. Làm sao bản thân nhà giáo phải là tấm gương cho HS noi theo. Trong suốt những năm đi dạy, điều khiến tôi hạnh phúc nhất chính là niềm tin của phụ huynh và tình cảm của học trò dành cho mình”.

Vinh danh 50 giáo viên đạt giải thưởng Võ Trường Toản

Sáng 18-11, tại Nhà hát TP đã diễn ra lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản.

Đây là giải thưởng hằng năm do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, góp phần tích cực vào phong trào thi đua của TP.

Trong 50 giáo viên được vinh danh gồm 39 giáo viên và 11 cán bộ quản lý đến từ các cơ sở giáo dục tại 24 quận, huyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm