Con trẻ vẫn bị ăn tát nếu...

Nhưng qua phản ánh của độc giả mới biết nhiều người đã từng bị bạo hành như thế. Bạo hành trong trường học không phải là chuyện mới nhưng nó sẽ gây sốc nhiều hơn vì mức độ nghiêm trọng của nó. Con trẻ của chúng ta sẽ tiếp tục bị bạo hành nếu:

1. Nếu phụ huynh và giáo viên vẫn xuề xòa cho rằng “đánh vài cái thì được”. Xuất phát từ quan niệm “thương cho roi cho vọt”, nhiều người mặc định trẻ con không có roi vọt sẽ hư hỗn, lì lợm. Họ quên rằng sự lì lợm của con trẻ cũng do người lớn chưa hiểu được tâm lý trẻ con, chưa chấp nhận tính cách riêng của con và chưa có phương  pháp giáo dục phù hợp. Thay vì nhìn nhận lại chính mình và đòi hỏi mình kiên nhẫn hơn, người lớn lại chọn cách nhanh nhất nhưng cũng phản giáo dục nhất là bạo lực.

Tôi vẫn nghe nhiều cha mẹ, thầy cô cười cợt khi nói về việc trẻ con ở Mỹ sẽ gọi cảnh sát ngay lập tức nếu cha mẹ, thầy cô đánh hoặc dọa đánh trẻ con. Họ cho rằng ở Việt Nam mà làm thế thì con trẻ sẽ “leo lên đầu người lớn”. Họ phản đối các cô giáo bạo hành trẻ dã man nhưng vẫn chấp nhận “đánh một vài cái thì được”. Họ quên rằng một khi chấp nhận bạo lực, dù ở mức độ nào thì bạo lực đã có mảnh đất để cắm sâu bén rễ. Khi nổi giận với con trẻ thì bản năng loại bỏ bạo lực của họ không còn được kích hoạt nữa. Họ rất có thể sẽ quá tay, sẽ tàn bạo trong thời điểm đó, cũng chỉ là sự mở rộng biên độ bạo lực của cái giới hạn mà họ đã chấp nhận trước đó.

2 . Nếu cách tuyển sinh, đào tạo của các trường sư phạm không thay đổi.

Rất nhiều bạn trẻ chọn thi vào trường sư phạm vì các lý do như muốn có công việc ổn định, muốn sau này có thời gian chăm sóc gia đình con cái, được mọi người nể trọng và thậm chí là… dễ lấy chồng. Không có bất cứ cuộc sát hạch nào về tâm lý, sức khỏe, khả năng phù hợp của thí sinh đối với ngành học. Khi xem nghề sư phạm đơn giản cũng như một nghề nào đó để câu cơm, nhiều người có tâm tính hoàn toàn không phù hợp với nghề giáo vẫn… hồn nhiên học xong rồi đi dạy. Thiếu bộ lọc đầu vào hiệu quả, các trường đào tạo sẽ cho ra nhiều sản phẩm không đạt chuẩn. Khi gặp những tình huống khó, những người thiếu kiên nhẫn, thiếu bản lĩnh hoặc nóng nảy sẽ ứng xử bạo lực với học trò. 

Nhiều giáo viên thậm chí còn không biết mình sai, khi bị kỷ luật vì đánh học trò, họ vẫn cho rằng mình chỉ vì muốn tốt cho học sinh.

Các môn học tâm lý giáo dục, phương pháp sư phạm cũng chưa cung cấp đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết. Một số chuyên gia về quyền trẻ em còn cho rằng các trường sư phạm cần dạy cho sinh viên về Luật Trẻ em, dạy về các giá trị nền tảng về nhân quyền và quyền trẻ em. Khi có nhận thức về các giá trị nền tảng, họ sẽ không còn tranh cãi việc có nên đánh học sinh hay không, đánh mấy cái thì được. Họ sẽ hiểu rằng con người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không ai, kể cả thầy cô hoặc cha mẹ nhân danh sự giáo dục để dùng bạo lực với con trẻ.

3. Nếu Bộ GD&ĐT không loại bỏ được căn bệnh thành tích.

Bệnh thành tích là một trong những nguyên nhân gây áp lực khủng khiếp nhất lên những người làm việc trong ngành giáo dục. Sở ép trường, trường ép giáo viên, giáo viên ép học sinh. Học sinh chỉ cần trái ý giáo viên, làm mất thi đua lớp thì cơn căng thẳng bực bội của giáo viên sẽ trút thẳng lên học trò.

Ba yếu tố trên chắc chắn không dễ thay đổi. Bọn trẻ vẫn có nguy cơ bị bạo hành hằng ngày. Những sự việc được biết đến chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm