Đà Nẵng bỏ thi ngoại ngữ liệu có hợp lý?

Ngày 17-5, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với PGS-TS Phan Văn Hòa (nguyên Giám đốc ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng), chuyên gia Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 về quyết định bỏ môn ngoại ngữ khỏi danh sách các môn thi vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Không nên bỏ thi ngoại ngữ

Theo ông Hòa, ông đã nhận được khá nhiều cuộc điện thoại than thở của giáo viên và học sinh (HS) về việc này.

“Cá nhân tôi thấy bỏ thi ngoại ngữ là không hợp lý, bỏ giữa chừng như vậy lại càng không nên. Vì điều chỉnh trước cả năm có khi còn bị phản ứng, huống hồ chỉ hơn 10 ngày nữa là kỳ thi sẽ bắt đầu. Thầy cô, HS bỏ biết bao công sức ra ôn luyện, miễn sao các em đạt được điểm tốt mà đùng cái bỏ ngang thì bất công cho các em quá. Phụ huynh người ta bức xúc, phản ứng là điều dễ hiểu” - ông Hòa nói. 

PGS-TS Phan Văn Hòa cho rằng nếu không áp dụng quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (CCNNQT) thì Sở nên tổ chức thi ngoại ngữ bình thường thay vì bỏ hẳn. Bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngoại ngữ là môn học rất quan trọng, nhất là khi Đà Nẵng xác định du lịch đang là một mũi nhọn để phát triển kinh tế. 

“Với những HS có năng lực thì thi hay không thi đâu có là vấn đề. Thậm chí nhiều em còn muốn được thi để cọ xát, kiểm tra trình độ” - ông Hòa phân tích.

Về việc một trung tâm ngoại ngữ tại Hoàng Văn Thụ tổ chức thi cho 1.400 HS tại Trường THCS Nguyễn Khuyến được cho là “có vấn đề” về chất lượng, PGS-TS Phan Văn Hòa cho rằng: “Việc Sở GD&ĐT phát hiện ra các chứng chỉ “có vấn đề” là rất quý. Tuy nhiên, Sở nên báo cáo để các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra làm rõ. Em nào học yếu mà bỗng dưng có chứng chỉ quốc tế thì sẽ lòi ngay ra thôi. Công an, thanh tra sở, chúng ta có cả hệ thống chính quyền cơ mà. Hơn nữa vấn đề là mình phải tính để quản lý sao cho chặt chẽ, tìm giải pháp để làm trong sạch ngành giáo dục chứ không phải vì vài trường hợp sai phạm hoặc quản lý không được lại thay đổi xoành xoạch khiến cả chục ngàn HS khác bị ảnh hưởng”.

Phụ huynh, HS tại Đà Nẵng đang khá lo lắng cho kỳ thi lớp 10 sắp tới. Ảnh: TÂM AN

Đây là phương án tối ưu

Liên quan đến vấn đề CCNN, hiệu trưởng một trường THCS cho biết trên 50% HS của nhà trường đã thi lấy CCNNQT.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp 9, trên cơ sở đó các thầy cô sẽ trao đổi với phụ huynh để họ yên lòng. Tuy có thay đổi phút cuối nhưng các em HS cứ yên tâm. Nếu có năng lực thì có Anh văn hay không, các em vẫn sẽ đậu vào một trường công lập tương xứng với trình độ, không có gì phải ngại hết” - vị này chia sẻ.

Ngày 17-5, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc đưa ra quyết định bỏ thi ngoại ngữ trong kỳ thi lớp 10 là giải pháp cực chẳng đã. “Đây là giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh không thể làm khác được. Nếu mọi việc diễn ra bình thường thì không ai chọn giải pháp này cả” - ông Chinh nói.

Theo ông Chinh, giải pháp bây giờ và trước mắt của TP là ổn định tâm lý cho các em HS để bước vào kỳ thi cho tốt. “Về sự việc thì tôi cũng đã có báo cáo hết với Thành ủy rồi. Nhưng bây giờ thì phải tập trung cho ổn định tình hình” - ông Chinh cho biết.

Về việc trung tâm tổ chức thi chứng chỉ cho 1.400 HS có vấn đề, ông Chinh cho biết TP sẽ không bỏ qua vụ việc trên. “Vụ việc này còn đó nhưng thời điểm hiện nay là phải tập trung cho kỳ thi. Phương án mà TP, Sở đưa ra cũng đã tính toán rất kỹ để ít tác động nhất đến các em HS và mình cũng rất chia sẻ với những bức xúc của phụ huynh. Nhưng đặt trên tổng thể của cả TP thì phải xử lý như thế, vì không còn phương pháp nào tối ưu hơn” - ông Chinh nói.

Người ký Quyết định 2377 từ chối trả lời

Sáng 17-5, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng bất thường để miễn nhiệm chức danh ủy viên ủy ban, ông Nguyễn Đình Vĩnh (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện là bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn) đã vắng mặt. Ông Vĩnh trong thời gian làm giám đốc Sở GD&ĐT đã ký Quyết định 2377 quy định HS có một trong các CCNNQT có giá trị sử dụng sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ (hệ số 1) và được quy đổi thành điểm 9 hoặc điểm 10. Việc này được cho là không phù hợp, buộc Đà Nẵng phải đường đột bỏ thi môn ngoại ngữ tại kỳ thi lên lớp 10 tới đây. Trả lời qua tin nhắn, ông Vĩnh cho hay lãnh đạo Sở GD&ĐT TP đã trả lời rồi nên ông không muốn nói gì thêm.

Lỗi quy trình, không thể ém nhẹm 

Lần này là lỗi do quy trình dẫn đến sự việc ngày hôm nay. Khi xảy ra sai sót thì các cơ quan, ban, ngành phải xử lý vì phải tôn trọng pháp luật. Nếu ém nhẹm cho qua thì sau này phụ huynh, HS kiện tụng có khi phải hủy luôn cả kỳ thi.

Ông LÊ TRUNG CHINH,  Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm