Đại học, cao đẳng thấp thỏm tuyển sinh năm học mới

Ngay từ đầu tháng 2 đến nay, khi học sinh, sinh viên (HS-SV) trên cả nước liên tục được nghỉ học dài ngày vì dịch COVID-19, hàng loạt chương trình tư vấn, ngày hội tuyển sinh theo kế hoạch của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải hủy hoặc dời lịch.

Tiếp cận thí sinh qua mạng ảo

Theo ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, việc HS nghỉ học dài ngày và lùi lịch thi THPT quốc gia qua tháng 7 là phù hợp, không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đào tạo của các trường vì thường thì lịch học chính thức hằng năm của các trường ĐH, CĐ vào giữa tháng 9.

Tuy nhiên, khi HS đi học trở lại, lịch học của các em có khả năng sẽ kín hơn và khoảng thời gian giữa các thời điểm kết thúc năm học, ôn tập, thi kỳ thi THPT quốc gia, công nhận tốt nghiệp THPT và thời điểm xét tuyển sẽ ngắn hơn so với những năm trước. Điều này khiến việc tiếp cận tư vấn trực tiếp cho HS sẽ khó khăn, thông tin của các trường ĐH, CĐ đến HS, phụ huynh và cộng đồng xã hội hạn chế hơn.

Đồng thời, thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ở một số phương thức của các trường gặp khó khăn. Kế hoạch xét tuyển, công bố kết quả xét tuyển, nhập học của các trường cũng vất vả hơn.

Do đó, ThS Nguyên cho biết trường buộc phải đẩy mạnh các kênh tư vấn tuyển sinh online, Facebook, Zalo, livestream… để tăng cường hiệu quả thông tin tương tác đến HS.

PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng việc lùi kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7 sẽ không ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, nhiều kế hoạch của trường phải thay đổi, như dừng tổ chức cho HS đến tham quan và hướng nghiệp tại trường, trường không đi cơ sở để tư vấn trực tiếp, tạm dừng tham gia các ngày hội tuyển sinh... Thay vào đó, trường chủ yếu tư vấn qua mạng, đăng thông tin và tổ chức quay video tư vấn để phụ huynh, HS dễ dàng theo dõi.

Tuy nhiên, theo ông Hải, quan trọng là HS sẽ phải nỗ lực hơn, chủ động tìm hiểu nhiều thông tin tuyển sinh qua mạng... để có lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Học sinh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM thắc mắc về lựa chọn ngành nghề năm 2020 tại ngày hội hướng nghiệp diễn ra cận tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: PHẠM ANH

Tư vấn xuyên đêm, điều chỉnh cách xét tuyển

Những ngày qua, hầu hết các trường ĐH, CĐ tăng cường phủ sóng lịch tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp bằng phương thức trực tuyến. Để tiếp cận HS, phụ huynh, nhiều trường tổ chức linh hoạt vào các khung thời gian, cả ngày lẫn đêm, bằng nhiều hình thức khác nhau như tư vấn, livestream, quay video, đăng thông tin...

Cụ thể như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tăng cường hàng loạt buổi tư vấn trực tuyến, tư vấn xuyên đêm cùng hiệu trưởng, ban giám hiệu trực tiếp đi tư vấn trà sữa - cà phê tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa... Kênh truyền hình của trường cũng thường xuyên phát trực tiếp các buổi tư vấn tuyển sinh về thông tin chung, cũng như theo từng nhóm ngành như cơ khí chế tạo máy, xây dựng, điện-điện tử...

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay thời gian qua, trường đã đầu tư gần 1,5 tỉ đồng để nâng cấp công nghệ hiện đại như xây dựng phim trường, kênh truyền hình online... nhằm tạo hình ảnh, âm thanh trực tuyến tốt nhất, giúp phụ huynh, HS dễ dàng tiếp cận hơn.

ĐH quốc gia TP.HCM và các trường thành viên những ngày này cũng liên tục tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến trên fanpage, thu hút hàng ngàn sự quan tâm, thắc mắc từ phụ huynh, HS. Trong đó, nội dung đặt ra nhiều nhất về kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức về thời gian thi, nội dung thi, chỉ tiêu...

Được biết hiện đã có gần 30.000 thí sinh đăng ký dự thi đợt một, dự kiến diễn ra vào ngày 29-3 và cuối tháng 2 sẽ hết hạn đăng ký. Thông qua những chia sẻ, băn khoăn của phụ huynh, phía ĐH quốc gia TP.HCM cho biết đã tạm dừng hình thức đóng tiền trực tiếp sang ví điện tử và gia hạn thêm thời gian cho HS. Đồng thời, ĐH này sẽ cân nhắc lùi thời gian thi đánh giá năng lực đợt một cho phù hợp nhất, thay vì diễn ra vào ngày 29-3.

Tương tự, Trường ĐH Văn Lang TP.HCM cũng vừa điều chỉnh phương án tuyển sinh. Cụ thể, ở phương án xét tuyển ĐH bằng kết quả học bạ THPT, trường sẽ mở ra hai lựa chọn cho thí sinh là xét điểm trung bình hai học kỳ lớp 12 hoặc xét điểm trung bình năm lớp 11 và học kỳ một lớp 12 của các môn trong tổ hợp xét tuyển.

Như vậy, nếu thời gian nghỉ học kéo dài dẫn đến kết quả học tập học kỳ hai chậm trễ, các HS vẫn có thể hoàn thành hồ sơ xét tuyển ĐH cho trường đúng thời hạn.

Ngoài xét tuyển, trường vẫn giữ các phương án xét điểm thi THPT quốc gia 2020 theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển kết hợp thi tuyển môn năng khiếu đối với các ngành đặc thù.

Sở GD&ĐT tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh trực tuyến

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có kế hoạch tư vấn trực tuyến hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2020.

Chương trình cung cấp, trang bị cho HS những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp của bản thân phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực, thể chất. Bên cạnh đó, giới thiệu đến HS các hướng đi sau THCS - THPT và những điều cần lưu ý. Ngoài ra, chương trình còn cung cấp thông tin về dự báo nguồn nhân lực, những yêu cầu về tuyển dụng; giới thiệu các ngành nghề, chỉ tiêu, điều kiện, hệ đào tạo các trường; phương thức, quy định về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2002; kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020; cung cấp, hướng dẫn chọn nghề...

Chương trình dự kiến sẽ tổ chức từ nay đến 30-9-2020 gồm hai phần. Phần một tư vấn chung về quy chế, chính sách, tâm lý, sức khỏe mùa thi và phần hai tư vấn chuyên sâu về các ngành nghề đào tạo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm