CARNEGIE MELLON UNIVERSITY - CMU (MỸ):

Đào tạo công nghệ thông tin tại ĐH Văn Lang

Xếp hạng chín trong tốp 100 trường đào tạo lĩnh vực kỹ thuật và CNTT tốt nhất thế giới (US. News, 2010, http://grad-schools.usnews.rankingsandreviews.com).

CMU ngôi trường của 16 giải nobel

CMU là một trong những trường danh tiếng của Mỹ với 16 giải Nobel, 41 giải Emmy Award, 10 giải Turing Award… Xuyên suốt lịch sử CMU, những tên tuổi về CNTT như: James Gosling (người tạo ra ngôn ngữ Java); Marc Ewing (người tạo ra Red Hat); Charles Geschke (đồng sáng lập viên hãng Adobe); Watts Humphrey (người tạo ra mô hình phát triển phần mềm CMM và CMMI); TS Luis Von Ahn, tác giả hệ chứng thực người dùng nổi tiếng Captcha (ứng dụng một dãy ký tự bị làm méo buộc người dùng phải nhận diện và nhập chính xác mới có thể đăng ký truy cập), là thành viên khoa KHMT của CMU; ông Lee Kai Fu, hiện là chủ tịch sáng lập Google Trung Quốc và phó chủ tịch hãng Google, cũng được đào tạo tiến sĩ KHMT tại CMU; vị GS quá cố của CMU, Randy Pausch, đã tạo một cơn sốt trên Internet khi cuốn sách The Last Lecture (Bài giảng cuối cùng) của ông xuất hiện… Các thành tựu thường xuyên được nhắc tới của CMU là chế tạo robot: robot CMU dùng trong y khoa, robot để xây căn cứ tiền trạm trên mặt trăng, robot chụp ảnh trong Google Earth...

Đào tạo công nghệ thông tin tại ĐH Văn Lang ảnh 1

Ông Ralph Skip Boyce, Chủ tịch Boeing Đông Nam Á, trao học bổng cho Dương Khiêm - SV chương trình CMU tại Văn Lang, tháng 9-2009.

SV và học giả Việt Nam ở CMU cũng đã xuất hiện những cái tên nằm trong “bảng vàng” lĩnh vực CNTT của thế giới, như GS John Vũ (Tổng kỹ sư trưởng của Boeing, Trưởng phần mềm dự án Boeing 777), Vũ Duy Thức (sinh viên (SV) ĐH số 1 Bắc Mỹ về tin học năm 2004, Phi Beta Kappa, tiến sĩ người Việt Nam trẻ nhất ĐH Standford)…

Đào tạo CNTT theo chương trình CMU…

Năm 2008, cùng sự phát triển quan hệ thương mại của hãng máy bay Boeing tại Việt Nam, CMU đã chuyển giao chương trình đào tạo CNTT cho hai trường ĐH ở Việt Nam với mục tiêu đào tạo các chuyên viên CNTT làm việc cho hãng Boeing khu vực châu Á và nhiều doanh nghiệp phần mềm có yêu cầu cao. Trong đó, Trường ĐH Văn Lang là đơn vị duy nhất ở TP.HCM triển khai đào tạo CNTT theo chương trình CMU. Qua hai năm thực hiện, chương trình đã khẳng định những giá trị đích thực của nó.

Được xây dựng trên chuẩn SE 2004, phát triển bởi sự phối hợp giữa Hiệp hội Máy tính thế giới (ACM) và Viện Công trình điện-điện tử quốc tế (IEEE), chương trình công nghệ phần mềm (CNPM) của CMU có tính thực dụng rõ nét và đáp ứng các yêu cầu thực sự của nền công nghiệp. Để đạt được chuẩn mực chất lượng của CMU, song song với việc chuyển giao chương trình, hằng năm toàn bộ giảng viên giảng dạy chương trình được gửi đến CMU Pittsburgh tập huấn. Toàn bộ giáo trình, slide bài giảng, hệ thống bài tập được chuyển giao trực tiếp và sử dụng tiếng Anh nguyên bản trong quá trình giảng dạy tại Việt Nam. Hằng năm CMU cử các chuyên gia sang giám sát thực hiện chương trình và tổ chức các hội thảo học thuật cho SV. Năm 2008 là GS Martin Radley với các seminar về phát triển phần mềm, quản lý dự án và tư vấn, đào tạo về phần mềm.

Phương pháp nổi tiếng của CMU là “Learning by Doing” (học bằng công việc), là điểm then chốt tạo nên chất lượng đào tạo. Khác các chương trình khác, chương trình CNPM của CMU tại Việt Nam được giảng dạy bằng tiếng Việt, song song với toàn bộ giáo trình, tài liệu và bài tập bằng tiếng Anh. Các chương trình bổ trợ tiếng Anh chuyên ngành được đưa dần vào một cách hợp lý theo các môn học. Đối với SV Việt Nam, phương pháp học mới và chương trình học thực sự là thử thách vì có những yêu cầu khắt khe về mặt kiến thức và kỹ năng. Các SV đạt yêu cầu theo chuẩn của CMU sẽ được CMU trực tiếp cấp chứng chỉ từng môn học. Khóa đầu tiên của chương trình đào tạo tại Trường ĐH Văn Lang đã được CMU cấp chứng chỉ vào tháng 8-2009. Tháng 8-2010, CMU tiếp tục cấp chứng chỉ cho các môn học tiếp theo. Đến nay, mỗi SV tối đa nhận được 7/18 chứng chỉ của toàn bộ chương trình. Song song với các chứng chỉ môn học do CMU cấp, SV tốt nghiệp sẽ nhận bằng ĐH hệ chính quy do Bộ GD&ĐT Việt Nam cấp.

Hãng Boeing và các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang chờ để đón đầu một thế hệ kỹ sư CNPM theo chuẩn CMU. Năm 2009, hãng Boeing trao 10 suất học bổng cho SV của chương trình tại Trường ĐH Văn Lang, trị giá 1.000 USD/suất. Học bổng này được Boeing tiếp tục trao trong năm 2010. Theo các cam kết đã ký từ năm 2008, 2009, các doanh nghiệp sẽ nhận SV tốt nghiệp chương trình với mức lương khởi điểm 600 USD/tháng. Nhận thấy nhu cầu nguồn nhân lực toàn cầu thuộc lĩnh vực CNTT, năm 2010, Trường ĐH Văn Lang tiếp tục tuyển sinh ngành CNTT theo chương trình CMU. Điều kiện xét tuyển NV2 là thí sinh có điểm thi ĐH năm 2010 khối A, D1 đạt từ điểm sàn trở lên. Chỉ tiêu dự kiến là 150.

Hội thảo hướng nghiệp năm 2010 sẽ giới thiệu chi tiết hơn về chương trình CNTT của CMU đào tạo tại Trường ĐH Văn Lang: chính sách học phí, học bổng và các ngành khác của trường. Tham gia hội thảo này, phụ huynh và thí sinh có thể trao đổi trực tiếp với các giảng viên vừa tập huấn từ CMU trở về và SV đang theo học chương trình tại Việt Nam. Thời gian: 9 giờ ngày 22-8, tại 45 Nguyễn Khắc Nhu, quận 1, TP.HCM. Xác nhận thông tin tham dự theo số điện thoại (08) 38374596, hoặc email: tttt@vanlanguni.edu.vn. Chi tiết xem tại website: www.vanlanguni.edu.vn/huongnghiep2010.

 HOÀI AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm