Dạy đạo đức trong nhà trường: Chương trình hàn lâm, hiệu quả thấp

Nhiều ý kiến cho rằng hành vi lệch chuẩn của thanh thiếu niên nước ta ngày càng tăng. Sự lệch chuẩn này không chỉ là vi phạm đạo đức mà còn là vi phạm pháp luật ở mức báo động. Ngoài ra, chương trình giáo dục cho HS-SV vẫn còn nhiều bất ổn.

Theo TS Phạm Thị Kim Anh (Trường ĐHSP Hà Nội), kết quả điều tra, khảo sát tại 30 trường ĐH, CĐ cho thấy trên 51% SV cho rằng sống thử trước hôn nhân là hiện tượng phổ biến.

Kết quả điều tra năm 2007 của Phòng Giáo dục quận 6, TP.HCM trên 500 HS trung học cơ sở cho thấy 68% HS mê game, chat; 46,6% thích chơi đô vật kiểu Mỹ; 38,8% thường xuyên chửi thề, nói tục; 32,2% thường xuyên vô lễ với thầy cô...

Theo nhiều đại biểu, chương trình sách giáo khoa môn đạo đức-công dân quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, nhẹ về giáo dục kỹ năng sống. Các bài học không tạo được dấu ấn và điều kiện thuận lợi để hình thành nhân cách cho HS. Chẳng hạn như HS lớp 7 đã phải học về bộ máy nhà nước cấp cơ sở... Chương trình học này với đầy những từ khó hiểu chưa cần thiết với lứa tuổi từ 12 đến 15.

Ở bậc THPT, nghịch lý hơn khi HS lớp 11 và 12 không có tiết học đạo đức nào. Chương trình giáo dục công dân ở lớp 10 rất nặng về kiến thức với hai phần triết học và đạo đức gồm những nội dung trừu tượng và hàn lâm.

Các đại biểu cho rằng cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao và kiên trì bồi đắp cho các em lòng nhân ái, tính trung thực, tinh thần tự trọng, cần thiết đưa môn luân lý vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Những bài giảng “tầm chương trích cú” không còn phù hợp với việc giáo dục đạo đức cho HS-SV hiện nay nữa.

T.MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm