Dạy học bằng chính cuộc đời mình

Thầy giáo Phan Viễn Phương và các học sinh Trường Nguyễn Văn Tố Ảnh: H.HG.

Thầy giáo Phan Viễn Phương và các học sinh Trường Nguyễn Văn Tố

 Ảnh: H.HG.

Suốt mấy năm trung học cứ nửa ngày đi học, nửa ngày về nhà kiếm tiền phụ giúp gia đình nhờ nghề ép plastic, Phương vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Làm hết sức mình

Tốt nghiệp THPT loại giỏi ở Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM), Phương thi đậu thủ khoa vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Những năm 1980, sinh viên trước khi nhập học phải trải qua kỳ khám sức khỏe của hội đồng giám định y khoa nhà trường. Kết quả: Phương bị loại vì không đủ sức khỏe học tập. "Mặc dù người ta không nói thẳng ra nhưng tôi biết mình bị loại do đôi chân bị teo cơ, chứ tôi có đau ốm, bệnh hoạn gì đâu".

Không bỏ cuộc, Phương xin được học dự thính, đồng thời mang đơn kêu cứu khắp nơi. Gần hai năm, đến hầu như tất cả cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm nhưng qui định vẫn là qui định, Trường ĐH Kinh tế đành gạch tên sinh viên Phan Viễn Phương.

" Học hỏi không ngừng, sáng tạo không ngừng, thầy Phương sắp lấy bằng cử nhân tin học rồi. Thầy là một tấm gương sáng về nghị lực vượt qua số phận, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Cuộc đời của thầy là một bài học sinh động đáng để học sinh noi theo"

Ông Lê Trương Sằng (hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố)

Giã từ giảng đường đại học trong niềm tiếc nuối, trong sự suy sụp, "nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã lấy lại tinh thần. Bởi tôi đã làm hết sức mình, làm hết cách có thể" - Phương nhớ lại.

Từ đó, Phương vui vẻ với nghề sơn xe đạp ở nhà: "Tôi thấy mình vẫn là người có ích, không những không phải ăn bám vào gia đình mà tiệm sửa xe đạp của hai cha con tôi còn nuôi sống được cả nhà, năm đứa em cũng được ăn học đàng hoàng".

Gần mười năm cần mẫn với nghề sơn, sửa xe cho đến khi một người bạn thân mách bảo: "Phương có vẻ phù hợp với ngành tin học đấy. ĐH Bách khoa đang mở khóa đào tạo kỹ thuật viên tin học, không phải kiểm tra sức khỏe đầu vào".

Thế là đi học, tốt nghiệp, rồi đi xin việc, đến chỗ nào Phương cũng nhận được lời từ chối tế nhị mặc dù anh biết rất rõ những nơi ấy đang rất cần người có chuyên môn về tin học. Lại nhờ một người bạn giới thiệu, lần này anh gặp may: phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp Q.10 đã nhận anh vào làm ngay sau lần gặp đầu tiên.

Ông thầy kiên nhẫn

Khoảng năm 1996, UBND Q.10 thành lập Trường THCS trọng điểm Nguyễn Văn Tố, đồng thời lựa chọn những giáo viên giỏi trong quận về làm nòng cốt. Phan Viễn Phương nằm trong số những giáo viên ấy.

Thầy Phương cho biết: "Tôi thích nhất là việc hướng dẫn viết phần mềm sáng tạo để tham gia kỳ thi tin học không chuyên. Đó là cơ hội cho học sinh thể hiện sự sáng tạo, ngay cả thầy giáo cũng phải sáng tạo. Trong quá trình dạy, tôi không thích cách cầm tay chỉ việc mà khơi gợi để học sinh suy nghĩ”.

Hơn mười năm đứng lớp, tự biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy nhưng giáo trình của thầy Phương rất đặc biệt: chỉ có đề bài chứ không có phần hướng dẫn giải bài tập. "Trước một bài khó, cả tôi và học sinh cùng suy nghĩ, thảo luận để tìm ra cách giải nào hay nhất. Có thể học sinh của năm nay đã tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề một cách xuất sắc rồi, nhưng năm sau tôi vẫn cho học sinh làm lại chứ không "đóng khung" trong một số phương pháp nhất định, không đưa ra cách giải tham khảo của học sinh năm trước mà để các em tự sáng tạo".

Thầy Phương là một trong những giáo viên đầu tiên được UBND Q.10 trao tặng danh hiệu Nhà giáo vì sự nghiệp giáo dục Q.10. Đã nhiều năm rồi, hầu như năm nào học sinh do thầy phụ trách cũng đoạt giải thủ khoa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP. Nếu làm phép tính cộng thì đến nay thầy đã bồi dưỡng cho 43 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, 19 học sinh đoạt giải cấp TP, học sinh đoạt giải phần mềm sáng tạo trong hội thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc năm 2000, 2001, 2006.

Ngoài việc giảng dạy, tự biên soạn nhiều giáo trình giảng dạy, thầy Phương còn là người có công đầu trong việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ Trường Nguyễn Văn Tố biên soạn và sử dụng giáo án điện tử, tin học hóa các công việc văn phòng...

Ở Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Phan Viễn Phương có tiếng là thầy giáo kiên nhẫn. Biết học sinh có sai phạm, thầy không la mắng ngay trước lớp mà kêu ra ngoài nói chuyện riêng. "Mình trao đổi một cách gần gũi, thân thiện, phân biệt phải trái chứ không nhằm bắt lỗi các em. Lứa tuổi học sinh THCS tự ái rất cao, phải giữ thể diện cho các em". Ngay cả khi phát hiện học sinh truy cập những trang web "nhạy cảm", thầy Phương cũng không làm ầm ĩ ngay trong phòng máy mà "ra ngoài nói chuyện với thầy".

Chẳng thế mà học sinh Trường Nguyễn Văn Tố thích thú với các tiết tin học của thầy Phương, môn học "khô như ngói" nhưng được dạy trong không khí thoải mái, bình đẳng, thầy giáo như một người bạn đóng vai trò gợi ý, định hướng và gút lại vấn đề. Chẳng thế mà năm nào học trò thầy Phương cũng đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, thi tin học không chuyên. Thầy nói: "Tôi dạy học bằng chính trải nghiệm của tôi, cuộc đời của tôi".

Theo Hoàng Hương ( Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm