Dạy-học trực tuyến: Hiệu quả ra sao?

Những ngày qua, nhiều trường đại học-cao đẳng đã triển khai dạy học trực tuyến (E-learning) với nhiều cách thức khác nhau để chương trình học không bị gián đoạn trong thời gian sinh viên (SV) nghỉ dài ngày vì dịch COVID-19.

Nhiều nơi chưa quen tay

Hơn tuần nay, Trường ĐH Văn Lang đã đồng loạt triển khai cho SV học tập trực tuyến bằng phần mềm MS Team theo thời khóa biểu. Mỗi người đều có tài khoản cá nhân để đăng nhập và sử dụng.

Hai ngày đầu, hơn 90% giảng viên đã đến lớp để giảng dạy trực tuyến. Trên các group, cách học này thu hút nhiều phản hồi tích cực từ SV vì sự thuận tiện, hiệu quả. Tuy nhiên, một số bạn cũng chia sẻ về những khó khăn đang còn vướng. Như bạn Đức Khang bình luận: “Đến giờ học, giảng viên mời vào xong out ra để sáu bạn trong phòng nhìn nhau rồi mãi chẳng thấy học, ở đâu ạ”. Hay như tâm sự của bạn Bảo Uyên: “7 giờ học nhưng 9 giờ hơn cô mới add vào nhóm, mà lúc đó em lại phải học môn khác rồi”.

Phía Phòng đào tạo cho hay do sự “chưa quen tay” của một số thầy cô và đôi lúc là sự cố kỹ thuật cũng khiến lớp học có lúc gián đoạn hoặc bắt đầu trễ hơn dự định. Vì vậy, sau mỗi buổi học, Phòng đào tạo cùng giảng viên thực hiện khảo sát đánh giá của SV để kịp thời xử lý các vấn đề còn khó khăn cho các SV. Sau đó, sự cố giảm dần, SV đã tích cực tương tác theo cách học này.

Tại Trường ĐH Luật TP.HCM, nhà trường cũng đã yêu cầu giảng viên, SV triển khai dạy và học trực tuyến ở tất cả môn học. PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách, cho hay các thầy cô đã tổ chức quay video nhiều bài giảng chất lượng cao ở nhiều môn học. Và những nội dung này nằm trong chương trình theo thời lượng phân bổ. Khi SV trở lại lớp, thầy cô không phải dạy lại nữa.

Các giảng viên Trường ĐH Văn Lang đang được tập huấn và thực hành về dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC

“Thậm chí ở môn thể dục, trường yêu cầu các thầy cô phải đưa ra hình ảnh những động tác cơ bản để học trò học trước qua mạng ở nhà, như bơi sải như thế nào, tay chân phải thế nào... Tuy nhiên, đây là môn ít hiệu quả nhất vì đòi hỏi có không gian và có người điều chỉnh trực tiếp nhưng vẫn khuyến khích thầy cô làm được đến đâu hay đến đó” - PGS-TS Hải nói.

Còn với Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), Phó Hiệu trưởng Phạm Tấn Hạ cho biết việc dạy trực tuyến ở trường chủ yếu khuyến khích thầy cô thực hiện để kết nối học trò. Tùy từng môn học, giảng viên chia bài giảng làm nhiều phần, từng 10-15 phút để tóm tắt ý chính trước cho SV dễ chú ý, giúp các SV có mạch học liên tục, phát huy khả năng tự học hơn. Đến khi SV trở lại học, nhà trường vẫn bố trí thời lượng giảng dạy đầy đủ để thầy cô không bị ảnh hưởng.

Phải nhuần nhuyễn các phương pháp mới hiệu quả

Đánh giá cao cách học này, PGS-TS Trần Hoàng Hải cho rằng dạy học trực tuyến là phương pháp hiện đại và tích cực, giúp SV tăng tính tự học, chủ động hơn, chứ không phải cứ chờ thầy lên lớp mới học được. Nếu áp dụng tốt, nó giải quyết được nhiều vấn đề cho xã hội như hạn chế kẹt xe, đào tạo từ xa, giảm vất vả cho giảng viên... Và đây không phải là giải pháp tình thế mà sẽ là hướng đi lâu dài của nhà trường sau này.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Hải, hiệu quả cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực của thầy cô... mỗi trường.

“Đây chỉ là một phương thức giảng dạy nên để hiệu quả, giảng viên phải thay đổi quan điểm, phải đặt vào vị trí SV để dạy. Đồng thời, phải kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương thức khác vì không phải lúc nào cũng cần học qua mạng. Thầy trò cùng tương tác cả trên mạng lẫn thực tế, cùng trao đổi, làm việc nhóm, thực hành ở lớp....” - PGS-TS Hải diễn giải.

Theo TS Phạm Tấn Hạ, dạy học trực tuyến là xu hướng đúng đắn nhưng cần có thời gian để chuẩn bị, đầu tư nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, học trực tuyến chỉ như là một phương pháp để tăng hiệu quả trong dạy học cũng như kết nối giữa thầy trò chứ không thể thay thế việc dạy học trực tiếp được.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, học trực tuyến sẽ là xu hướng chính của cả thế giới khi công nghệ ngày càng phát triển. Như thế, SV có thể học bất cứ đâu, việc đến lớp chỉ còn là để thực hành, làm dự án, tạo ra sản phẩm.

PGS-TS Dũng cho rằng để triển khai dạy trực tuyến đúng nghĩa là không dễ, cần phải có quá trình 5-7 năm để chuẩn bị về mọi mặt như đào tạo, tập huấn, đầu tư lớn về công nghệ, dữ liệu... “Quan trọng nhất vẫn là tâm thế và văn hóa của người thầy. Người thầy phải đổi mới về tư duy, phương pháp, đánh giá... Từ đó thay đổi người học, việc đánh giá học trực tuyến cũng hiệu quả hơn” - PGS-TS Dũng nói.

Trường nghề cần đẩy mạnh dạy trực tuyến

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vừa có công văn gửi các sở LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đảm bảo công tác tuyển sinh, đào tạo khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Theo đó, Tổng cục yêu cầu các trường nghề nhanh chóng số hóa các môn học, tài liệu giảng dạy và đẩy mạnh đào tạo trực tuyến trong và sau dịch bệnh.

Theo đó, các trường cần xây dựng và phát triển hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến (E-learning), khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng các bài giảng điện tử. Hoạt động này sẽ được tính vào thời gian nghiên cứu khoa học theo chế độ làm việc của giáo viên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm