Dự thảo Luật Giáo dục ĐH: Bộ vẫn “làm hộ” các trường

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH nếu được thông qua, vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết như quyền tự chủ của các trường ĐH đến đâu; học viện - ĐH - trường ĐH khác nhau thế nào; vị trí, vai trò và mô hình của ĐH Quốc gia… Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 19-4. Trước đó, dự thảo Luật Giáo dục ĐH lần thứ tư đã được ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục ĐH trình Chính phủ.

Chưa thấy “tự chủ”

Theo GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nếu cứ giữ tư tưởng “quản cho chặt” thì nền giáo dục ĐH của chúng ta sẽ không bao giờ hội nhập được với giáo dục quốc tế. Ông Phương dẫn chứng: “Chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ giao, mỗi năm Bộ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh với ba chungđiểm sàn cũng là làm hộ các trường. Chương trình đào tạo như thế nào, mở những ngành đào tạo nào… đều do Bộ quyết. Đến cái phôi bằng tốt nghiệp cũng là Bộ in… Như thế thì làm hộ cho các trường nhiều quá. Nên để các trường tự quyết”.

GS Phương cũng đề xuất: “Ở nước ngoài, nếu thành lập trường ĐH mà chất lượng kém thì sinh viên không đến. Ở ta bây giờ cũng vậy. Vì thế, các quy định về xin phép thành lập trường ĐH, xin phép giải thể, sáp nhập… theo tôi là không cần thiết. Nên để các trường đăng ký thành lập, thay vì xin phép. Xã hội sẽ tự đánh giá được chất lượng đào tạo”.

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH: Bộ vẫn “làm hộ” các trường ảnh 1

Các đại biểu cho rằng có nhiều bất cập từ dự thảo khi các trường thiếu tự chủ từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến xây dựng chương trình… Trong ảnh: Các học sinh đang tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Ảnh: HTD

Các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập từ dự thảo khi các trường thiếu tự chủ từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến xây dựng chương trình, mở ngành đào tạo, chưa nói đến tự chủ về tài chính. Một đại biểu cho biết: “Tôi nghe có người bảo muốn xin thành lập một trường ĐH, CĐ giờ mất cả tỉ đồng… Nếu cứ duy trì cơ chế xin-cho thì văn hóa phong bì sẽ chiếm lĩnh”.

ĐH hai cấp: Còn phải chờ!

Về Điều 10 - quy định về “cơ sở giáo dục ĐH”, ông Đặng Bá Lãm, giảng viên ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nêu vấn đề: Nhiều nước có cơ sở giáo dục ĐH hai cấp, nghĩa là trong trường ĐH (university) có các colleges (cũng là trường ĐH, có khi là trường sau ĐH, không phải là trường CĐ theo cách hiểu trong tiếng Việt). Theo ông Lãm, hiện nay ở nước ta có một số trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội hay ĐH Quốc gia TP. HCM cũng có tên là “ĐH”, như vậy là “university” nằm trong “university”, rất bất hợp lý. Ông Lãm đề xuất các trường bao gồm nhiều trường ĐH thành viên nên đổi tên thành “tổ hợp ĐH” hoặc “liên hợp ĐH”.

GS-TSKH Nguyễn Mậu Bành, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, cho rằng cần ghi rõ danh tính các cơ sở ĐH để nêu tính khác biệt về tính chất, quy mô và cơ cấu tổ chức như: ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH thành viên… Cũng theo ông Bành, dự thảo Luật Giáo dục ĐH giống một luật quản lý hành chính trường ĐH hơn là luật giáo dục ĐH vì còn thiếu tính chất, nguyên lý giáo dục, phương pháp giáo dục, phát triển giáo dục… “Luật này không thể thực hiện được ngay mà phải có nhiều nghị định, quy định của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng… do đó, tính khả thi ngay còn kém” - GS Nguyễn Mậu Bành đánh giá.

Sẽ quy định mô hình ĐH hai cấp trong văn bản dưới luật

“Cơ cấu, tổ chức của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam rất đa dạng và chưa ổn định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ GD&ĐT đang cùng các bộ, ngành tổ chức khảo sát, đánh giá mô hình ĐH hai cấp, trong đó có mô hình ĐH Quốc gia (…), Bộ GD&ĐT đề nghị quy định nội dung này trong văn bản dưới luật”.

(Trích tờ trình về dự án Luật Giáo dục ĐH)

Theo thống kê của Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT, trên thế giới chỉ còn khoảng 3%-5% giáo dục ĐH các nước còn bộ chủ quản, trong đó có nước ta, làm cho các trường không có môi trường và không gian sáng tạo. Bỏ bộ chủ quản không có nghĩa là vô chủ mà là chỉ còn một bộ quản lý nhà nước và đây cũng là một biện pháp cải cách hành chính hiệu quả nhất, các trường phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao nhất. Kèm theo đó chính là điều kiện thành lập “hội đồng trường”.

Ông BÀNH TIẾN LONG, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm