“Đừng bắt chúng em học thuộc lòng”

Hãy kể cho chúng em những câu chuyện lịch sử bằng cảm xúc, cho chúng em xem phim tài liệu về những chiến công của cha ông ta và tới thăm những di tích lịch sử thay vì bắt chúng em phải học thuộc những con số, sự kiện khô khan. Nhiều ý kiến của các em học sinh đã bày tỏ rất thẳng thắn tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT vào sáng qua (21-3). Sau năm lần tổ chức, buổi đối thoại lần này đánh dấu sự trưởng thành từ trong suy nghĩ đến cách trình bày của học sinh.

“Học thuộc lòng như máy”

Mở đầu buổi đối thoại, em Phạm Duy Sơn, học sinh lớp 10CT Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết rất vui trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ đưa hai bộ môn kinh tế và nghệ thuật vào chương trình phổ thông. Để giảm bớt áp lực học hành cho học sinh, em Huỳnh Thị Mai Trân, học sinh lớp 11C5 Trường THPT Trí Đức, hiến kế: “Nên tăng liều lượng thực hành vào các bài kiểm tra”. Đồng quan điểm, Bùi Tường Nam Phương, học sinh lớp 11CV1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, phát biểu: “Chúng em rất thích các chương trình thực tế trải nghiệm ở trường học, tiếc là những hoạt động như thế chưa nhiều. Vì vậy, để chương trình học bớt khô khan, theo em nên lồng ghép các hoạt động trải nghiệm thực tế vào bài giảng trên lớp nhằm tạo hứng thú cho học sinh”.

Ở khía cạnh khác, Ngô Văn Trọng, học sinh lớp 10 Trường THPT Tam Phú, cho biết : “Ở trường em nhằm giúp học sinh dễ tiếp thu và nhớ khối lượng kiến thức khổng lồ của các môn học, thầy cô đã lồng ghép kiến thức môn sử vào đề thi môn văn và ngược lại. Tuy nhiên, số lượng các đề thi sáng tạo như thế chưa nhiều khiến học sinh phải vất vả trong việc liên kết các môn học”.

 
Em Nguyễn Hồng Thơ, học sinh lớp 11 Trường THPT Bình Phú, phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: MT

Không chỉ với môn văn, sử, Phạm Thái Tiểu My, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ), còn trăn trở về môn giáo dục công dân. “Chương trình học môn giáo dục công dân lớp 10 hiện có quá nhiều kiến thức về triết học khiến tụi em cảm thấy mơ hồ, khó hiểu. Trong khi tụi em ngồi học thuộc lòng thì có rất nhiều học sinh nữ chỉ mới lớp 10 đã phải nghỉ học giữa chừng vì mang thai, rồi học sinh đánh nhau, học sinh thóa mạ thầy cô... đều là những vấn đề đạo đức. Em nghĩ thay vì dạy những kiến thức cao xa không phù hợp, thầy cô hãy dạy cho chúng em về cách ứng xử, cách yêu thương giữa người với người. Chưa kể mục đích chính của môn học là giáo dục con người nhưng kiểm tra lúc nào cũng bị trả bài lấy điểm khiến học sinh phải học thuộc lòng như cái máy, chưa có hiệu quả tác động thật sự đến nhận thức của tụi em” - My nói.

Ngoài ra, đối với môn tin học, Nguyễn Thị Kim Loan, học sinh lớp 11A2 Trường THPT Phú Nhuận, cho biết: “Ngoài thực tế, nhiều cơ quan hành chính nhà nước đã dùng đến phiên bản Microsoft Word, Excel 2013 nhưng chương trình học của tụi em cứ giậm chân hoài ở chương trình Word, Excel phiên bản năm 2003, quá lạc hậu và thiếu cập nhật kiến thức so với sự phát triển công nghệ thông tin”.

“Què quặt” nhận thức nếu chỉ học để thi

Trước các ý kiến bày tỏ lo ngại về việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT vào “phút 90” khiến các trường bị động, học sinh không có sự chuẩn bị tốt nhất, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: “Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP thừa nhận những thay đổi về thi tuyển, xét tuyển năm nay diễn ra trong thời gian hết sức cập rập nhưng chúng tôi cũng đã góp ý với Bộ GD&ĐT. Trong tình hình hiện tại, tôi mong các em cố gắng vượt qua kỳ thi một cách thuận lợi, trong đó ý thức về tinh thần tự học cần được hết sức đề cao”.

Tiếp lời, Phó Giám đốc Nguyễn Hoài Chương cũng nhận định: “Quy định thi cái gì, thay đổi quy chế thi ra sao không quan trọng bằng việc các em có phương pháp học tập tốt và một thái độ đúng đắn đối với các môn học bị cho là môn học phụ. Mặc dù thi tốt nghiệp năm nay chỉ có bốn môn nhưng theo tôi các em không nên học lệch. Tất cả môn học được đưa vào trường giảng dạy không phải chỉ để cho có. Đấy chính là các môn tạo ra kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các em, nhất là môn sử và địa sẽ vận dụng vào đời sống hằng ngày rất nhiều, hỗ trợ trong công việc các em rất nhiều. Nếu các em chỉ chăm học các môn trong khối thi sẽ bị lệch kiến thức, thậm chí “què quặt” về nhận thức” - ông Chương nói.

Ngoài ra, nhiều học sinh cũng bày tỏ ý kiến xung quanh nhu cầu phân bổ lao động và tỉ lệ giữa các ngành nghề trong xã hội, các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn, cách hành xử trong mối quan hệ thầy trò... Nhiều học sinh đã đề xuất Sở GD&ĐT TP thành lập quỹ bảo trợ học sinh nghèo ở những vùng khó.

Kết thúc buổi đối thoại, đại diện Sở GD&ĐT TP cho biết sẽ tiếp thu hết các ý kiến đóng góp của học sinh, từ đó có thêm điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu và nguyện vọng của học sinh. Cụ thể, Sở sẽ tăng cường các thiết bị, máy móc trong trường học để nâng cao số tiết thực hành, cho học sinh tham gia ngoại khóa nhiều hơn. Sở cũng khuyến khích giáo viên dạy theo yêu cầu thực tế chứ không nhất thiết bám sách giáo khoa, miễn sao mang lại hiệu quả cao nhất cho học sinh.

MINH TÂM

 

Thành công lớn nhất qua buổi đối thoại lần này là chúng tôi được nhìn thấy học sinh của mình trưởng thành hơn. Các đề xuất, kiến nghị năm nay không còn xoay quanh những chuyện học hành, thi cử ở trường lớp mà đã mở rộng thêm nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác trong xã hội. Buổi đối thoại tuy diễn ra trong không khí thân tình, nhẹ nhàng nhưng đã đặt ra nhiều vấn đề lớn cho xã hội.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm