HÃY TỰ “GIẢM TẢI” HỌC TẬP CHO CON

Đừng bắt con ‘phục vụ’ sĩ diện của cha mẹ

Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con mình có được nền tảng kiến thức tốt cho một tương lai vững vàng. Vì thế ngay từ khi con chập chững vào lớp 1, tôi đã quán triệt tư tưởng cố gắng đưa vào đầu con càng nhiều kiến thức càng tốt.

Tạo áp lực cho con

Tiểu học, cháu học ở một trường dân lập quốc tế vì mong muốn của tôi là để cháu có môi trường học ngoại ngữ tốt. Vì lo lắng chương trình tiểu học ở trường dân lập không được sâu sát bằng ở trường công, tôi đã mời thầy về nhà kèm chương trình tiểu học Việt Nam vào buổi tối cho cháu. Vậy là cháu phải học ngày học đêm, bước vào guồng quay học thêm từ quá sớm khi chưa thể biết mình học nhiều thế để làm gì.

Cuối lớp 4 của cháu, tôi định hướng cháu lên cấp II sẽ thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Tôi nghĩ rằng ở đó con tôi sẽ có môi trường học tốt, sẽ có được lượng kiến thức tốt nhất của chương trình giáo dục Việt Nam, song song đó là việc rèn ngoại ngữ thêm bên ngoài. Gia đình tôi gồng mình bước vào cuộc chạy đua luyện thi kéo dài hơn một năm trời mà giờ nghĩ lại bản thân tôi còn thấy rùng mình, còn cảm giác của một đứa con nít chín tuổi như con tôi như thế nào thì tôi không dám nghĩ tới.

Mỗi buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật, chồng tôi đưa con đến luyện toán tại nhà một thầy chuyên ôn thi vào Trường Trần Đại Nghĩa. Anh chở con đến, kiếm một chỗ nào đó đậu xe chờ hai tiếng sau đón con về. Các thứ Hai, Tư, Sáu tôi đón con ở trường lúc 4 giờ 15 phút, chở con tới trung tâm luyện thi của Trường Trần Đại Nghĩa, cho cháu vào căn tin, gọi một ly nước và dọn cho cháu ăn vội vàng phần cơm tôi chuẩn bị từ nhà để 5 giờ cháu kịp vào lớp. Còn tôi thì ngồi mở máy tính làm việc và vạ vật đợi. 9 giờ đêm cháu tan lớp, hai mẹ con về đến nhà lúc 9 giờ 30. Giờ này đã là giờ ngủ của những đứa trẻ nhưng con tôi thì không được thế. Cháu còn phải tắm rửa, thay đồ, uống thêm ly sữa rồi làm bài tập, chuẩn bị cho ngày học mới. Bài ít thì cháu sẽ được đi ngủ sau 11 giờ 30 đêm, còn không thì phải qua 12 giờ. Tôi vẫn còn ám ảnh rất nhiều đêm cháu gò mình trên bàn giải bài tập với ánh mắt vô hồn và lặng lẽ đi ngủ vào cái lúc đã sắp sang ngày mới. Tôi vẫn chưa quên rất nhiều đêm tôi ngồi nhìn con ngủ sau một ngày dài mệt mỏi mà nước mắt cứ rơi. Tôi không ít lần băn khoăn như thế này liệu có đúng không?

Sau giờ học chính khóa ở trường, các em lại vào lớp học thêm Anh văn. Ảnh: HTD

Phải thay đổi

Không chịu nổi áp lực học tập vắt kiệt sức của con như thế, chồng tôi xin cho con vào một trường khác và quyết định không cho con thi vào Trường Trần Đại Nghĩa vào phút cuối khi hồ sơ thi tôi đã làm xong. Và lần này thì tôi đã theo anh sau khi nghe anh nói: “Không phải cái gì em nghĩ tốt cho con cũng là đúng cho con”.

Tưởng là tôi sẽ vật vã lắm sau khi bao nhiêu công sức, tâm huyết mình bỏ ra trong hơn một năm trời đã phải dừng lại ngay trước đích đến, vậy mà tôi lại cảm thấy rất thanh thản. Có lẽ vì quyết định này giúp tôi thoát ra được cảm giác mình là kẻ tội đồ hành hạ, ép uổng con, bắt cháu sống không ra sống, một nhịp sống mà ngay cả người lớn cũng khó chịu đựng chứ đừng nói một đứa trẻ. Tôi bắt đầu chiến thắng được lòng tham của mình, tương lai con dĩ nhiên là quan trọng  nhưng phần đời hiện tại của con cũng quan trọng không kém. Tôi không có quyền phá hỏng cuộc sống hiện tại của con chỉ vì muốn con làm nô lệ phục vụ cho lòng tham của mình, phục vụ cho cái áp lực mình tự đặt ra.

Ba năm qua, giờ con đã học lớp 8. Suy nghĩ của tôi về việc học của con đã thay đổi rất nhiều. Áp lực tôi tự tạo ra cho con trong việc học đã bớt nhiều. Không còn trường tốt, trường xịn. Không còn tuyệt đối điểm số. Tôi đã biết cho phép con phạm lỗi trong học tập. Và tôi thấy yên lòng khi thấy cháu có một nhịp sống cân đối hơn, học hành nhẹ nhàng, vui vẻ, có thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, thú vui của mình. Tôi tin là mình đã làm điều đúng với con.

Tự giảm tải đi rồi thấy… sợ

Báo đã chạm vào đúng nỗi trăn trở nhất của các bậc phụ huynh hiện nay. Đã có quá nhiều tiếng kêu cứu xé lòng của những đứa trẻ mệt mỏi vì học tập nhưng phận làm cha mẹ, chúng ta đã làm được những gì? Tự “giảm tải” cho con được không? Xin thưa, đó chỉ là giải pháp tạm thời, vì nếu thời gian “tự giảm tải” càng kéo dài thì kết quả học tập của con càng sa sút.

Gia đình tôi cũng đã từng “tự giảm tải” cho con cháu mình. Từ khi cháu tôi bước vào tiểu học, tôi khuyên cha mẹ chúng không cho cháu học lớp tăng cường tiếng Anh vì nhận thấy cháu không có năng khiếu. Đùng một cái, vào năm học sau, chương trình đổi mới, tất tần tật đều học tiếng Anh tám tiết trong tuần, vậy là đứa cháu phải “cày” cật lực để theo kịp đám bạn. Vì không có người đưa đón, gia đình xin chuyển cháu vào lớp bán trú và đã là bán trú thì phải “đua” học ngoại ngữ, học sinh không còn quyền tự chọn. Cũng may là được cô giáo thông cảm, cho cháu rèn thêm và các anh chị của cháu phải thay nhau cùng “welcome to English” mỗi tối cháu mới tạm “hòa nhập” nhưng xem ra còn phải rất nỗ lực mới mong bắt kịp bạn bè.

Xin nói rõ là gia đình tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, chỉ mong cháu khỏe mạnh (vì sức khỏe các cháu kém), học hành trong khả năng chứ không quá nài ép hay lơ là.

PHƯƠNG PHI, 127/17 Lê Lai, phường 4, quận Gò Vấp

Tấn Khoa, quận 7, TP.HCM:

Tuổi thơ không thể quay lại lần nữa

Đừng bắt con ‘phục vụ’ sĩ diện của cha mẹ ảnh 2
 
Bài báo đã cảnh báo một thực trạng ai cũng biết mà ít ai tránh khỏi, đó là vắt kiệt sức con mình vì cái sự học, đến mức “cả ngày con không nhìn thấy ánh mặt trời”. Ai cũng đổ lỗi cho nhà trường, cho chương trình học mà ít ai nhận ra rằng chính họ - phụ huynh mới là người đẩy con mình học đến dại người, đến mất cả tuổi thơ như thế.

Tôi may mắn đã cho hai con theo học một ngôi trường mà chương trình học tại đây được giảm tải khá nhiều. Việc học được gắn liền với thực hành để các con trong quá trình làm sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ các kiến thức vừa học. Đặc biệt, môn nào nhận thấy mình chưa hiểu bài, học kém, học sinh có thể trao đổi với thầy cô và được bố trí ở lại 30 phút sau buổi học để thầy cô giảng thêm.

Tôi không cho con mình học thêm bất kỳ môn nào. Các con về nhà được chơi nhiều, không bị áp lực bài vở, bản thân tôi cũng cảm thấy rất nhẹ nhõm.

Tôi viết những điều này không phải để khoe trường dân lập mà chỉ có mong muốn chia sẻ với các phụ huynh vì đã có người không dám chọn việc cho con học ít, sợ con không theo kịp chương trình của… trường công.

Mỗi người đều có cả một đời để học nhưng ai cũng chỉ có một tuổi thơ để phát triển nhân cách. Học thì lúc nào cũng được nhưng tuổi thơ không thể quay lại lần nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm