Gia đình học sinh, sinh viên được cứu nhờ tham gia BHYT

“Tháng 3-2018, em Nguyễn Thanh Tùng, học sinh Trường THCS Trạm Thản, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) bị viêm tủy xương hông, nhiễm khuẩn huyết mô cầu không đặc hiệu, phải nằm viện 34 ngày tại BV Bạch Mai. Tiền chữa bệnh lên tới 300 triệu đồng nhưng nhờ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), gia đình Tùng chỉ phải chi trả gần 60 triệu đồng tiền viện phí…”.

Chị Nguyễn Hương, kế toán, phụ trách công tác BHYT học sinh của Trường Trạm Thản, cho biết như trên khi nhắc đến lợi ích của việc tham gia BHYT học sinh, sinh viên.

Để không rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần

Theo chị Hương, có một bộ phận nhỏ phụ huynh hiện nay vẫn quan niệm là trẻ em ít khi bị ốm nên không mặn mà tham gia BHYT cho con em mình. Do đó, nhà trường, giáo viên luôn chú trọng tuyên truyền lợi ích, quyền lợi tham gia BHYT. Nhờ vậy, nhiều gia đình vượt qua khó khăn.

Chẳng hạn trường hợp em Nguyễn Anh Tuấn, học sinh Trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), không may bị bệnh. Sau 16 ngày điều trị tại BV Bạch Mai, tổng chi phí khám chữa bệnh của em lên tới hơn 221 triệu đồng. Trong đó, BHYT thực hiện chi trả cho Tuấn gần 181 triệu đồng.

“Đây là số tiền lớn và rất có ý nghĩa đối với gia đình Tuấn, giúp gia đình em vượt qua khó khăn, không bị rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần…” - chị Hương nhận định.

Tương tự, gần đây nhất vào tháng 3-2020, em Nguyễn Diệu Linh, học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Phú Nham, huyện Phù Ninh, không may bị bỏng 49% cơ thể. Bố mẹ em làm công nhân ở Khu công nghiệp Thụy Vân phải nghỉ việc để thay nhau chăm sóc em tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác.

Gia đình em Nguyễn Thị Bé Thảo ở Đồng Tháp được quỹ BHYT thanh toán hàng trăm triệu đồng tiền viện phí. Ảnh: V.HƯƠNG

Nghỉ việc đồng nghĩa với việc cả gia đình mất thu thập trong những ngày con nằm viện, gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai, nhất là chi phí khám chữa bệnh cho Linh khá lớn.

Với 74 ngày nằm viện, tổng chi phí khám chữa bệnh của Linh lên đến 154 triệu đồng nhưng nhờ có tấm thẻ BHYT mà gia đình chỉ phải thanh toán 30 triệu đồng. Hiện nay sức khỏe của Linh đã ổn định, tuy nhiên vẫn phải mặc áo chuyên dụng để chống nhiễm khuẩn và hạn chế sẹo.

Bà Nguyễn Thị Hồng, nội của Linh, cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm nông nhưng do nhận thức được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT nên 100% thành viên trong gia đình đều tham gia BHYT. Tháng 5-2020, tôi cũng vừa đi phẫu thuật cắt bỏ khối u tại Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh và được quỹ BHYT chi trả hầu hết viện phí”.

Ngoài thẻ BHYT, bà Hồng chuẩn bị đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng để về già được hưởng lương hưu và cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Từ thực tế của bản thân và gia đình, bà Hồng mong rằng các gia đình khác nên tham gia BHYT để chẳng may ốm đau, tai nạn thì đã có quỹ BHYT hỗ trợ, còn nếu không thì đó cũng là sự chia sẻ của mình với các trường hợp không may mắn khác.

Hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Để phụ huynh và học sinh nhận thức được tầm quan trọng của BHYT, ông Nguyễn Đức Điền, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Khải, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết đầu năm học, nhà trường đều phối hợp với hội phụ huynh đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi, ý nghĩa của việc tham gia BHYT tới tất cả học sinh và cha mẹ học sinh trong toàn trường.

“Đối với những em có hoàn cảnh quá khó khăn, nhà trường và hội phụ huynh vận động các mạnh thường quân hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thẻ BHYT, với những em ít khó khăn hơn sẽ hỗ trợ 50% phí mua thẻ...” - ông Điền cho hay.

Chỉ tính riêng năm học 2019-2020, BHXH tỉnh Đồng Tháp thực hiện thanh toán trên 4,1 tỉ đồng cho các trường hợp học sinh, sinh viên đi khám chữa bệnh BHYT.

Còn bà Châu Hạnh Thùy, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Thái Bường (Trà Vinh), cho biết một trong những giải pháp then chốt chính để nhà trường vận động được 100% học sinh tham gia BHYT chính là sự quyết tâm và đồng thuận cao của giáo viên và cha mẹ học sinh. Nhờ vậy, hai năm học vừa qua, Trường Phạm Thái Bường đều đạt kết quả tốt với 100% học sinh tham gia BHYT.

Để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, Trường THPT Phạm Thái Bường cũng trang bị phòng y tế và bố trí một cán bộ y tế chuyên trách trực tiếp chăm sóc, sơ cứu cho học sinh.

“Hiện nhà trường trang bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu cho phòng y tế gồm tủ thuốc, các thuốc thông dụng và dụng cụ y tế như máy đo huyết áp, bông băng… để kịp thời sơ cứu, chăm sóc sức khỏe cho học sinh…” - bà Thùy cho hay.

Tham gia BHYT học sinh, sinh viên được hưởng lợi gì?

Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên được xác định theo tỉ lệ phần trăm của mức lương cơ sở. Năm học 2020-2021 không có sự thay đổi về mức đóng BHYT.

Theo đó, học sinh, sinh viên vẫn đóng với mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở, tương đương với 4,5% x 1.490.000 đồng = 67.050 đồng/tháng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30% nên số tiền thực tế mà học sinh, sinh viên phải đóng hằng tháng là 46.935 đồng/tháng, tương đương 563.220 đồng/năm.

Trường hợp đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến, học sinh, sinh viên được chi trả các mức 80%, 95%, 100%, tùy theo từng mã thẻ và trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm