Giảng viên đại học: Thuê là chính

Điều 50 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục quy định các bước chuẩn bị điều kiện để thành lập trường đại học (ĐH) rất chặt chẽ. Một trong những điều kiện đầu tiên là các tổ chức, cá nhân phải xây dựng đội ngũ giảng viên trước khi được phép lập trường và đi vào hoạt động. Nhưng những gì thực tế đã và đang diễn ra thì hoàn toàn đi ngược lại lộ trình này. Hầu hết các trường ĐH mới thành lập hầu như chưa có sự chuẩn bị kỹ về đội ngũ giáo viên.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Trần Thu Hà, trong mùa tuyển sinh năm 2009, nhiều trường ĐH mới thành lập báo cáo lên Bộ là có đến ba, bốn giáo sư, phó giáo sư nhưng qua kiểm lại thì không có vị giáo sư, phó giáo sư nào.

Giảng viên cơ hữu như... muối bỏ biển!

Trong hơn 10 năm hoạt động, trung bình mỗi năm Trường ĐH dân lập Văn Hiến mời khoảng 300 giảng viên thỉnh giảng. Ông Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện trường có khoảng 150 giảng viên cơ hữu và một số giáo sư tham gia giảng dạy.

Tuy nhiên, theo số liệu thanh tra Trường ĐH dân lập Văn Hiến của Bộ GD&ĐT, số giảng viên cơ hữu theo bảng lương hằng tháng tại các khoa như... muối bỏ biển so với tổng số sinh viên. Giảng viên cơ hữu chỉ đảm nhận được khoảng 1/6 công việc giảng dạy của trường, còn lại là giảng viên được mời thỉnh giảng.

Chẳng hạn khoa Ngữ văn chỉ có năm giảng viên, Xã hội học có bảy, Du lịch có năm giảng viên. Còn lại các khoa Kinh tế, Điện tử-Viễn thông, Tâm lý, Công nghệ thông tin chỉ có từ một đến bốn giảng viên. Đặc biệt, ngành đào tạo ngoại ngữ và một số môn đào tạo kiến thức chung cho sinh viên như giáo dục pháp luật, giáo dục thể chất thì hoàn toàn không có một giảng viên cơ hữu nào.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay đa số các trường ĐH mới thành lập đều có chung tình trạng thuê giảng viên thỉnh giảng như ĐH dân lập Văn Hiến. Đó cũng là lý do những trường này không công khai danh sách đội ngũ giảng viên cơ hữu của mình!

Chi tiền ít, lợi nhuận cao...

Trong vòng ba năm trở lại đây, cả nước có đến trên 50 trường ĐH được thành lập. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là lấy đâu ra đội ngũ giảng viên để cung cấp cho những trường ĐH này. Hiện nay, hệ thống ĐH có khoảng 8.000 phó giáo sư, còn giáo sư chưa đến 1.000 người. Tuy nhiên, có đến hơn 80% số giáo sư là già yếu, về hưu. Ngay cả nhiều trường ĐH công lập thành lập lâu năm hiện nay vẫn chưa có một giáo sư nào.

Tính đến tháng 7-2007, cả nước có gần 53.000 giảng viên ĐH, CĐ. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 28,55, trong khi Bộ GD&ĐT quy định chuẩn tỷ lệ để phấn đấu là 20 sinh viên/giảng viên. Tình trạng giảng viên từ các trường ĐH công lập “chạy sô” thỉnh giảng ở các trường ĐH mới thành lập rất phổ biến. Hầu hết họ không còn thời gian cho nghiên cứu khoa học. Chưa kể nhiều trường ĐH mới mở lấy cả sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH dạy ĐH. Tình trạng này khiến nhiều sinh viên đùa: “Trường em lấy sinh viên dạy sinh viên”.

Giáo sư-tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học và Quản lý môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM, băn khoăn: “Bộ GD&ĐT cho mở nhiều trường ĐH nhưng trường nào cũng thiếu thốn cơ sở vật chất, giảng viên, trang thiết bị phục vụ đào tạo. Các trường dân lập, trường tư thục mới thành lập lấy đâu ra đội ngũ giáo sư để lãnh đạo trường hoạt động tốt được. Chưa kể đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, họ đến giảng qua loa rồi lấy tiền ra về. Làm như vậy, các trường ĐH này chi ra ít tiền mà thu vào nhiều tiền, lợi nhuận cao”...

Các trường không thực hiện đúng cam kết

Khi lập đề án thành lập trường ĐH, các nhà sáng lập đều có cam kết về kế hoạch xây dựng trường, đóng góp vốn, xây dựng đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị... Tuy nhiên, ngay sau khi các nhà đầu tư nhận được quyết định thành lập trường, hầu hết đều không thực hiện đúng kế hoạch đã cam kết. Ngược lại, các trường bắt tay ngay vào việc thông báo chiêu sinh. Thời gian cần thiết để chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình và tài liệu học tập... rất ít được đầu tư.

(Theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2008, Bộ GD&ĐT)


Phản hồi của bạn đọc:

Họ tên: Bùi Văn Trường

Địa chỉ: P 4, Q 8, TP. HCM 

Điện thoại: 0903124...

Email: truong484b@...

Nội dung:

Các trường ĐH dân lập thuê giảng viên(GV) là chuyện bình thường. Ngay cả trường ĐH công lập cũng thuê GV mới đáng báo động. Một trường ĐH công lập lớn ở TP. HCM, đào tạo từ trung cấp đến sau đại học, nhưng một khoa chuyên ngành lớn cũng chỉ khoảng 5 GV. Tại sao bộ GD - ĐT không biết?

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm