Giáo sư Phạm Minh Hạc: 15 năm trước đã có 75% sinh viên sống thực dụng

Nhân đề tài nghiên cứu về hành vi đạo đức, lối sống của sinh viên của tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn và nhóm cộng sự, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Đây cũng chính là đề tài mà giáo sư Hạc và nhóm cộng sự đã từng nghiên cứu trong 15 năm (1990-2005).

Giống sinh viên của 15 năm trước!

. Thưa giáo sư, đạo đức của sinh viên 15 năm trước có khác nhiều so với sinh viên ngày nay không?

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ GD&ĐT. + Ngày đó, chúng tôi đã dùng bộ trắc nghiệm NEO PI-R gồm năm thang đo nhân tố với 30 tiểu thang đo để mô tả nhân cách của hơn 1.171 thanh niên, chủ yếu là sinh viên các trường đại học trên cả nước. Kết quả cho thấy: Có tới 75% sống theo “xu hướng thực dụng”; 45% không tôn trọng kỷ cương pháp luật; hơn 71% số sinh viên được khảo sát khẳng định mục tiêu phấn đấu của mình là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”; 96% sinh viên ý thức rõ ràng cần phải sống và làm việc theo pháp luật; 73% sinh viên cảm thấy ân hận mỗi khi vi phạm một điều quy định chung, 16,8% sinh viên nói không cảm thấy áy náy nếu vi phạm pháp luật... Kết quả cũng cho thấy một bộ phận khá đông (hơn 30%) thiếu niềm tin vào tương lai, có tính thụ động, thiếu bản lĩnh, nghị lực. Con số này cũng trùng khớp với nghiên cứu của tiến sĩ Sơn.

. Có người nói rằng sinh viên ngày nay nhanh nhẹn, thông minh hơn sinh viên ngày trước. Giáo sư nghĩ sao?

+ Chúng ta phải đặt câu hỏi: Hướng năng động đó là cái gì, có hiệu quả không? Có bao nhiêu phần trăm sinh viên năng động? Như ở Mỹ, xã hội yêu cầu mỗi một công dân phải đổi chỗ ở ít nhất hai lần trong đời. Có nghĩa lần đổi chỗ thứ hai phải là ngôi nhà to hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn. Tuy nhiên, chưa ai chứng minh được sinh viên ngày nay nhanh nhẹn, thông minh hơn ngày xưa. Có chăng do cuộc sống đi lên, đòi hỏi các em phải tiếp thu các kỹ thuật mới hiện đại.

1% sinh viên vi phạm đã không an tâm!

. Với kết quả nghiên cứu đó, vấn đề đạo đức trong sinh viên hiện nay đã đến mức báo động chưa, thưa giáo sư?

+ Trả lời câu hỏi này thật sự không đơn giản bởi đạo đức không phải là thứ đo đạc được. Song trong giáo dục, chỉ cần 1% trên tổng số 1,6 triệu đối tượng là học sinh, sinh viên vi phạm về đạo đức thì đã không an tâm được rồi.

. Vậy trong ba yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội, yếu tố nào ảnh hưởng lớn nhất đến đạo đức của mỗi sinh viên, thưa giáo sư?

+ Ngoài vai trò là chủ thể đối với bản thân thì yếu tố xã hội chiếm quan trọng hàng đầu, tiếp theo là nhà trường và gia đình. Sinh viên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình hay phải biết “giữ mình”, biết chọn lọc cái tốt, cái xấu. Tôi từng xem một đoạn băng gần hai tiếng nói về vấn đề “sống thử” trước khi kết hôn của sinh viên ngày nay. Thế mà cả đoạn băng đó không hề có ý kiến của bất kỳ thầy giáo, phụ huynh nào. Phải chăng ai cũng “bận” việc riêng?

. Nếu như sinh viên giải thích rằng vì mải mê kiếm tiền, vì chạy theo thành tích hay vì xã hội hiện đại nên dễ nhiễm thói hư, tật xấu thì sao, thưa giáo sư?

+ Nói như vậy thì vô cùng lắm. Song nếu như mỗi bạn sinh viên đều chăm học, tích cực tham gia công tác của trường, lớp thì sẽ hạn chế được ảnh hưởng không tốt đến đạo đức. Thử hỏi có bao nhiêu sinh viên hiện nay tham gia tình nguyện hè? Bao nhiêu phần trăm sinh viên tích cực tham gia họat động xã hội? Có hiệu trưởng nói với tôi rằng sinh viên của họ chỉ tối đa 30% tham gia trong khi con số này ở các nước tư bản là 80%-90%.

Ngoài ra, đạo đức cũng được thể hiện ở “văn hóa học đường”. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa ở đâu lại nhiều rác rưởi như Việt Nam. Một lớp tiểu học mà người dọn vệ sinh phải quét rác hai lần/ngày. Điều này có lẽ chỉ có ở Việt Nam!

Phải có lý tưởng sống

. Nhiều ý kiến cho rằng đó là vì chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường nên xã hội có nhiều trào lưu mới hiện đại hơn?

+ Theo tôi, đây là ảnh hưởng không mong muốn rất rõ rệt. Còn nếu nói rằng chúng ta phải làm vậy mới theo kịp các nước tư bản lại càng sai lầm bởi ở các nước tư bản, họ cũng đề cao việc giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa trong nhà trường. Tôi còn nhớ một tác giả người Mỹ nói rằng “nhà trường Mỹ có uy tín bởi nó đã giáo dục những vấn đề tốt đẹp của nước Mỹ”. Tại sao một đất nước hiện đại thế nhưng đạo đức lại cao trong khi chúng ta lại tụt lùi?

. Theo giáo sư, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế bớt tình trạng “lệch chuẩn” trong đạo đức?

+ Theo tôi, phải đúc kết, xây dựng hệ giá trị đạo đức chung cho người Việt Nam ngày nay và phổ biến đến từng em học sinh, sinh viên. Nhà trường phải tổ chức ngoại khóa, nội khóa và tăng cường môn Giáo dục công dân hơn nữa. Nhà lãnh đạo, quản lý cùng với thầy cô, phụ huynh phải là tấm gương cho các em. Đấy phải được coi là một chân lý của xã hội loài người. Bởi nếu xã hội có nhiều hiện tượng tha hóa, không tốt đẹp thì đương nhiên sẽ gieo rắc vào tinh thần, đạo đức của mỗi em.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng vào thế hệ trẻ ngày nay. Các em có điều kiện hơn nhưng phải làm sao đó là số đông, cả xã hội trông chờ vào. Các em phải sống có lý tưởng, có mục đích, không thể sống vì lý tưởng trung bình, chỉ sống cho mình. Đừng dừng lại có lý tưởng trung bình, chỉ sống cho mình.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm