Giáo viên chỉ dẫn phụ huynh cách ‘giảm tải’ cho con

TÔ THỤY DIỄM QUYÊN, Chuyên viên Trung tâm thông tin và chương trình Giáo dục của Sở GD&ĐT TP.HCM, Nguyên giáo viên trường THCS Đức Trí, quận 1)

Đừng quá xem nặng điểm số

Là một giáo viên với gần 30 năm trong nghề, nhiều lúc tôi xót xa với cảnh học trò tôi bị bố mẹ la mắng vì không đạt được điểm 10 môn học. Tôi đã từng nói với phụ huynh rằng “điểm số này chỉ có giá trị trong một năm học, cái mà các em cần mang ra khỏi nhà trường đó là nhân cách và các kỹ năng trong đó có kỹ năng tự học chứ không phải cứ học giỏi sẽ thành công trong xã hội”.

Mặc dù nói thế nhưng phụ huynh xung quanh tôi vẫn cứ chạy đôn chạy đáo tìm thầy giỏi cho con học. Họ phát sốt khi thấy con người khác có điểm trung bình cao hơn con mình và họ vô cùng hạnh phúc nếu đồng nghiệp có con học kém hơn con mình. Như thế nghĩa là trẻ khổ sở vì chúng đang phải gánh trên vai sĩ diện của cha mẹ.

Albert Einstein có một câu nói bất hủ, có thể xem như triết lý của giáo dục đó là “nếu bạn bắt một con cá leo cây, suốt đời nó sẽ nghĩ nó là kẻ kém cỏi”. Và hình như con trẻ bây giờ đang bị như vậy, người lớn đang bắt “con cá” của mình phải leo cây, phải thực hiện mọi nhiệm vụ học tập như nhau, phải có điểm số cao tất cả các môn học. Cứ như thế, làm sao bọn trẻ và chính cả chúng ta nữa sẽ khó có thể giỏi tất cả mọi lĩnh vực và không được phát huy năng lực thực sự của chúng.

Đã vậy, chương trình của chúng ta quá đồ sộ. Ở các nước, một năm học thì học sinh chỉ học 5-7 môn nhưng riêng học sinh Việt Nam ta “kiên cường” hơn : học sinh cấp 2 tải 14 môn cùng lúc. Môn nào cũng có bài tập trừ môn thể dục. Chưa kể còn có những hoạt động khác khiến bọn trẻ cứ mài sức lực để hoàn thành mọi yêu cầu. Một đứa trẻ học cấp 1 sẽ phải ra khỏi nhà từ 6giờ đến 6giờ 30 sáng để khỏi bị kẹt xe và nếu bố mẹ đứa trẻ đang muốn con vào trường chuyên thì bé sẽ quay về nhà lúc 21 giờ. Hệ lụy của việc học luyện thi này là gì trong khi theo nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi thì trẻ cấp một sẽ khó tiếp thu nếu phải học liên tục quá 45 phút và quá 5 tiếng một ngày. Thế nhưng trẻ con Việt Nam học từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối là rất phổ biến. Một thực tế mà chúng ta đang thấy là bọn trẻ cận thị ngày càng nhiều, chiều cao của người Việt cũng khá thấp bé so với khu vực. Lý do là vì để phát triển thì lứa tuổi từ 1-18 tuổi cần vận động và phơi nắng nhiều thì các em lại bị nhốt trong lớp học miệt mài, kể cả ngày nghỉ.

Các bạn thử công bằng kiểm điểm bản thân xem mình có đang bắt con mơ ước mơ chưa đạt của chúng ta không? Có bắt con cá của chúng ta leo cây không? Có mắc cỡ khi con mình có điểm số thua con bạn bè không? Nếu các bạn trả lời xong những điều ấy thì các bạn hãy tiếp tục trả lời rằng hiện con bạn đang chơi môn thể thao gì ? Một tháng con bạn đọc được bao nhiêu cuốn sách? Bạn có biết ước mơ của con không và bạn có chấp nhận cho con mình thực hiện mơ ước ấy không?Nếu bạn tự tin trả lời hết các câu hỏi ấy và con bạn xác nhận điều ấy là đúng thì tôi chúc mừng cho con bạn đã có cha, mẹ thật tuyệt vời, bởi bạn đang lội ngược dòng để đảm bảo cho con bạn được lớn lên một cách bình thường.Ngay từ bây giờ, người lớn chúng ta hãy tỉnh hẳn giấc mơ muốn biến con mình thành thần đồng, thành siêu nhân đi.

Hãy cho các con của chúng ta được chạy nhảy vui chơi nhiều hơn, được ra nắng, được chơi thể thao, được nghe nhạc và được sống cuộc sống của một đứa trẻ hạnh phúc. Có như thế chúng ta mới thực sự là yêu thương con cái.

Giáo viên dạy Ngữ Văn tại một trường THCS, quận Tân Bình

Các em chỉ cần học ở lớp là đủ rồi

Bản thân tôi cũng là người đi dạy thêm, nên tôi hiểu tại sao con trẻ bây giờ phải học nhiều đến như thế. Tôi không muốn dạy thêm thì phụ huynh cũng sẽ năn nỉ tôi mở lớp. Dường như, “học thêm” đã ăn sâu trong nếp của người ta rồi. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng “cô cứ cho nó nhiều bài đi vì nó rảnh lắm. Tôi tìm được mấy chỗ cho nó học thêm là mừng lắm rồi, chứ để nó ngồi không rồi chơi game thì cũng vậy”. Bản thân phụ huynh đã không tin tưởng vào khả năng của con cái họ, họ không muốn con rảnh rang nên họ đẩy con đi học để yên tâm hơn.

Phần lớn học trò hiện nay đều bị ép học theo khuôn từ nhỏ nên khả năng tự học không cao, không có khả năng trăn trở để tìm cách giải quyết vấn đề. Các em chỉ biết làm theo lệnh của giáo viên, không có tính tự giác từ tiểu học rồi lên THCS cũng vậy. Nhiều em học ở lớp thì không chịu làm nhưng khi đi học thêm, giáo viên rèn cho từng chút thì chịu làm.HS bây giờ phải học nhiều vì kỹ năng và yêu cầu ngày càng cao như bài văn ngày xưa tôi làm khi còn đi học được 9 điểm nhưng nay tôi lấy ra và chấm lại thì chỉ còn 6 điểm thôi vì yêu cầu bây giờ rất khó, muốn được điểm cao phải thêm này làm kia mới được. Đúng là các em ngày nay rất giỏi, giỏi hơn thế hệ phụ huynh ngày xưa nhưng kỹ năng giao tiếp, ứng xử…lại không có.

Thực sự mà nói, các em chỉ cần học ở lớp là đủ rồi, gia đình và giáo viên phải dạy cho các em kỹ năng tự học, tự mày mò và phân tích được vấn đề chứ đừng học kiểu máy móc, học đâu biết đó thì các em sẽ phải học thêm rất nhiều cũng không đủ được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm