Giáo viên nhận định về bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên

Đề Hóa khó

Đánh giá về đề thi môn hóa trong bài thi tổ hợp KHTN, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM, cho hay năm nay đề gồm có 40 câu trong đó có 30 câu khối 12 và 10 câu khối 11 đúng theo tinh thần của Bộ.

Thí sinh rời phòng sau bài thi tổ hợp KHTN. ẢNH: HOÀNG GIANG

Theo thầy Phú, đề thi có 17 câu toán, 23 câu giáo khoa. Về mặt cơ bản, 20 câu giáo khoa đầu, học sinh học hành nghiêm túc sẽ làm được bài, đạt được khoảng 5 điểm. Còn 17 câu toán hóa rất khó, thí sinh muốn làm được những câu này cần phải nắm chắc kiến thức và ôn luyện nhiều.

Nhìn chung đề hóa khó, lượng kiến thức 11 trong bài liên quan đến Muối và hidroxit lưỡng tính, aixt, hidrocacbon. Trong khi đó, kiến thức lớp 12 rải từ đầu đến cuối. Với đề hóa này học sinh muốn đạt được điểm phải có thời gian ôn luyện nhiều. So với năm ngoái, đề năm nay khó hơn ở những phần toán, nó phức tạp. “Vì thế, phổ điểm 9,10 không nhiều. Học sinh có học lực khá có thể đạt được điểm 6. Còn đề đạt điểm 7 đòi hỏi các em phải thật giỏi. Rõ ràng đề thi này có sự phân hóa mạnh. Những em không chọn môn hóa để xét vào khối B hoặc khối học có môn hóa thì chỉ cần đủ điểm để xét tốt nghiệp không bàn. Nhưng những em xét vào Trường Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Bách Khoa thì môn hóa phải 8 trở lên. Nhưng với đề này không phải dễ để đạt điểm 8", thầy Phú nói.

Giáo viên Nguyễn Thị Thu, THPT Ngọc Hồi, Hà Nội cho biết dù đã ôn thi tốt nghiệp nhiều năm nay, những bản thân cô và các thầy cô tổ hóa nhận thấy đề hóa 2018 khó hơn năm ngoái và khó hơn đề minh họa. Tuy nhiên đề rất hay, bao quát cả chương trình 12 và 11, đặc biệt ở 20 câu đầu, học sinh có thể nhận biết hiểu để lấy điểm dễ dàng. Ở những câu sau độ khó tăng dần nhưng đây là sự phân hóa chọn lọc học sinh. Nhìn chung các em thật sự tư duy, mới có thể đạt điểm cao".

Môn Sinh quá dài

“Đề thi môn Sinh quá dài và khó”, đó là lời nhận xét của cô Lê Cẩm Bình, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM.

Theo cô Bình, đề dài quá, cho quá nhiều câu đếm ý nên thí sinh sẽ không thể làm kịp. Đề có 40 câu nhưng có đến 20 câu đếm thi đúng là quá sức với các em. Cứ một câu như thế sẽ có rất nhiều ý, bắt buộc thí sinh phải đếm xem có bao nhiêu ý đúng, bao nhiêu ý sai, nếu đếm thiếu thì xem như câu đó sai.

Năm nay đề thi có phần kiến thức của 20 bài đầu tiên lớp 11. Cô Bình cho biết đề thi năm nay phân hóa cao, khó đạt điểm 9, 10.

Môn Lý điểm 10 không nhiều

Đánh giá về đề thi môn lý, thầy Lê Thanh Nghị, giáo viên trường THPT Đào Duy Anh, TP.HCM, đề năm nay tính toán nhiều, nếu học sinh không nắm vững kiến thức lớp 11 khó có thể làm được bài. Đề có 8 câu lớp 11 trong đó có những câu hỏi về lý thuyết, đơn vị, công thức, một số bài khác thì tập trung vào bài tập, có câu đưa thực hành thí nghiệm của lớp 11 vào.

Thầy Nghị cho biết kiến thức 12 trong đề thi tập trung vào điện xoay chiều và đây cũng là những câu khó. “Trước câu 20, những học sinh trung bình sẽ làm được. Từ câu 21, học sinh phải có học lực khá mới có thể làm. Càng về sau, độ khó của các câu hỏi càng tăng. Phổ điểm năm nay chủ yếu 6-7, còn điểm 3,4,5 dành cho khối giáo dục thường xuyên và dân lập.

Theo thầy Nghị, đề thi môn Lý đảm bảo để xét đại học, thế nhưng xét tốt nghiệp thì quá tầm với thí sinh dân lập và giáo dục thường xuyên.

Trong khi đó, giáo viên Phùng Ngọc Thi, THPT AMS (Hà Nội) nhận định, nhìn vào đề thấy ngay từ câu 1 đến câu 20 là vận dụng thông hiểu, 20 câu đầu của đề, phải nắm kiến thức thật chắc thì các em mới làm được vì là kiến thức tổng hợp cả lớp 11 lẫn 12. "Đề thi như năm nay sẽ rất khó phân loại thí sinh khá và giỏi. Mà như vậy thì khó đạt được yêu cầu 2 trong 1 của kỳ thi THPT quốc gia. Dự đoán điểm thi môn Lý năm nay cũng sẽ tương đương như năm trước", cô Thi nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm