Gợi ý giải và nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn

"Đề thi trải đều trong chương trình"

Theo cô Phan Thị Xuân - giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, nội dung đề thi môn ngữ văn năm nay trải đều trong chương trình lớp 9. Câu hỏi số 1 và 2 nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản của thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh không chỉ học thuộc lòng mà phải hiểu vấn đề mới làm đúng.

Gợi ý giải và nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn ảnh 1

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn văn sau khi thi xong tại hội đồng thi trường THCS Lý Phong Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Câu hỏi số 3 là câu nghị luận xã hội, hỏi về sự thể hiện mình trong lứa tuổi học sinh là vấn đề gần gũi với các em. Đề tài này theo tôi là khá rộng. Học sinh có thể nói rằng: em sẽ thể hiện mình bằng năng lực học tập, bằng sự tự tin, bằng sự giúp đỡ bạn bè…

Mỗi học sinh có một suy nghĩ khác nhau và tôi đoán là nội dung bài làm của các em sẽ rất phong phú. Vì thế, đáp án phải thoáng và rộng thì mới phù hợp. Đề tài khá hay và lạ, học sinh sẽ được sáng tạo đến mức tối đa theo hiểu biết của mình. Nhưng theo tôi nếu học sinh THPT làm đề tài này thì sẽ sâu sắc hơn và chín chắn hơn học sinh lớp 9.

Câu hỏi số 4 là câu về nghị luận văn học: cảm nhận về nhân vật. Câu này không mới cũng không lạ. Đây là dạng đề quen thuộc từ nhiều năm nay. Với câu này, thí sinh phải thuộc dẫn chứng, năng lực diễn đạt tốt, kỹ năng phân tích dẫn chứng thuần thục…thì mới đạt điểm tối đa.

Gợi ý giải đề thi:

Câu 1 (1 điểm):

- Viết đúng hai câu cuối trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật:

  Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
 Chỉ cần trong xe có một trái tim.

- Hai câu thơ thể hiện phẩm chất dũng cảm, yêu nước (quyết tâm chiến đấu vì miền Nam) của người lính.

Câu 2 (1 điểm):

- Xác định đúng thành phần gọi - đáp: Bầu ơi.

- Lời gọi đáp đó hướng tới tất cả mọi người dân Việt Nam.

Câu 2 (3 điểm): yêu cầu:

• Về kỹ năng:

+ Viết một văn bản nghị luận khoảng một trang giấy thi có bố cục 3 phần rõ ràng.

+ Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, đúng ngữ pháp.

+ Tránh dùng văn kể, văn nói.

+ Không mắc lỗi chính tả.

+ Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng.

• Về nội dung:

+ Có dẫn dắt và nêu vấn đề: thể hiện mình là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh.

+ Học sinh giải thích cụm từ “thể hiện mình” (thể hiện mình là muốn khẳng định mình, chứng tỏ bản thân mình trước mọi người, muốn người khác biết đến mình… bằng chính những việc làm của bản thân).

+ Học sinh trình bày được các cách thể hiện bản thân (có thể bằng một hoặc nhiều cách tùy theo học sinh):

  - Sự tự tin (trong học tập, trong giao tiếp, mạnh dạn trình bày ý kiến cỉa bản thân...).

  - Phấn đấu, nỗ lực học tập để đạt kết quả cao.

  - Có những việc làm tốt để lại dấu ấn trong lòng bạn bè, thầy cô như biết giúp đỡ bạn, dám dấu tranh chống lại cái xấu.

  - Không dựa dẫm vào người khác...

+ Có ý phê phán: có không ít học sinh  thể hiện mình bằng cách đua đòi, chưng diện, ăn chơi, chứng tỏ mình là người sành điệu, bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của thầy cô, bạn bè…

+ Có ý mở rộng: tự thể hiện, tự khẳng định mìmh không phải là tự cao, tự đại (ranh giới giữa tự thể hiện, tự khẳng định với tự cao, tự đại rất mong manh).

+ Đánh giá chung: Đây là một nhu cầu, là một hiện tượng khá phổ biến ở lứa tuổi học sinh. Điều này có thể tốt hay xấu, lợi hay hại là do cách học sinh thể hiện bản thân.

Câu 3 (5 điểm): yêu cầu:     

• Về kỹ năng:

+ Nắm vững phương pháp làm bài văn bản nghị luận về một nhân vật trong tác phẩm truyện.

+ Trình bày rõ ràng, thuyết phục các luận điểm.

+ Phân tích sâu sắc các chi tiết (lời nói, hành động,suy nghĩ), tình huống… trong truyện để làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên.

+ Bố cục chặt chẽ, rõ ràng.

+ Diễn đạt trôi chảy, câu văn sáng rõ, giàu cảm xúc.

+ Không mắc lỗi chính tả.

+ Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng.

• Về nội dung:

Đề bài yêu cầu học sinh cảm nhận về nhân vật nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực cảm nhận văn học. Học sinh có thể trình bày cảm nhận của mình bằng nhiều cách nhưng cần bảo đảm được những ý chính sau:

+ Nắm được kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, nhân vật.

+ Cảm nhận được những nét đẹp tâm hồn của nhân vật anh thanh niên (yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao; nhân hậu; khiêm tốn, lặng lẽ cống hiến; lạc quan, yêu đời...).

+ Nhận xét, đánh giá về nhân vật (đại diện cho lớp thanh niên tiêu biểu với lẽ sống cao đẹp…); cách xây dựng nhân vật của tác giả (khắc họa tính cách của nhân vật qua cuộc gặp gỡ chỉ 30 phút, qua cảm nhận, cái nhìn của các nhân vật khác, nhân vật không có tên riêng…).

+ Bộc lộ được cảm xúc, suy nghĩ của bản thân (yêu mến, khâm phục, suy nghĩ về lẽ sống của bản thân…).

PHẠM THỊ VÂN HƯƠNG - PHAN THỊ XUÂN
 (Giáo viên văn trường THCS Trần Văn Ơn)

Theo TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm