Hạnh phúc của thầy là cảm hóa được trò!

Tại buổi họp mặt và giao lưu “Trái tim người thầy” sáng 17-11 do Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM tổ chức, các nhà giáo, đại biểu đã cùng lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động, tâm huyết của các nhà giáo tiêu biểu.

Thành cô giáo từ hình ảnh của thầy cô

Cô Nguyễn Tuyết Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), chia sẻ từ khi còn nhỏ đi học nhìn thầy cô giảng bài, cô đã rất ngưỡng mộ và kính trọng. Cứ thế, cô nuôi ước mơ và khao khát sẽ có ngày trở thành cô giáo. Cô quyết tâm chọn nghề sư phạm để gắn bó suốt cuộc đời. Đến nay, qua 12 năm công tác, cô Mai luôn mang đến cho học sinh (HS) những kiến thức cô đọng nhất, trăn trở những phương pháp để làm sao phát huy được tính tích cực của HS. Cô được đánh giá là giáo viên trẻ tiêu biểu và được UBND TP khen thưởng vì đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.

Theo cô Tuyết Mai, giáo dục không phải chỉ là dạy chuyên môn mà còn là dạy làm người, hướng cho các em đến các giá trị chân thiện mỹ. Cô quan niệm giáo viên chủ nhiệm như là một người mẹ thứ hai của HS. Người mẹ có thể khó với các con nhưng cũng có lúc phải dùng tình thương để cùng trải lòng với chúng.

“Thấu hiểu các em thì chắc chắn các em sẽ bộc lộ những gì thầm kín nhất của mình. Từ đó giáo viên mới hiểu và giúp đỡ, động viên các em vượt qua, định hướng cho các em những hướng đi tốt hơn trong học tập” - cô Tuyết Mai chia sẻ.

Cô Nguyễn Tuyết Mai (bìa trái) và thầy Nguyễn Thái Hoàng (thứ hai từ phải sang) cùng các nhà giáo tiêu biểu tại buổi giao lưu “Trái tim người thầy” sáng 17-11. Ảnh: PA

Tầm quan trọng của giáo viên chủ nhiệm

Nhiều thầy cô chia sẻ tại buổi gặp mặt về vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc cảm hóa, dìu dắt HS. Điển hình là thầy Nguyễn Thái Hoàng, giáo viên vật lý Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp). Thầy Hoàng có thâm niên  giảng dạy 22 năm và hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 12.

Theo thầy Hoàng, khó khăn lớn nhất mà thầy cũng như nhiều giáo viên chủ nhiệm hay gặp phải là trong lớp luôn có những em HS hoàn cảnh rất đặc biệt, như cha mẹ không quan tâm đến con cái, chỉ biết đóng tiền cho con đi học. Vì thế nhiều HS không chú tâm việc học, quậy phá, có tâm lý chán chường. Đó cũng là những trăn trở của người thầy, phải làm sao dìu dắt để các em có nhận thức đúng về mục đích của việc học, để giúp thay đổi thái độ của các em về gia đình...

“Tôi quan niệm giáo viên chủ nhiệm là phải làm sao cảm hóa được những em cá biệt, chứ chỉ dạy tốt với những em ngoan thì đó cũng chỉ là trách nhiệm bình thường của giáo viên” - thầy Hoàng chia sẻ.

Cách đây hơn 10 năm, có một em HS lớp 11 bị giáo viên chủ nhiệm không hài lòng vì rất ngỗ nghịch. Nhiều giáo viên bộ môn cũng bức xúc vì em không chú tâm học hành. Em muốn chuyển vào lớp mà thầy Hoàng làm chủ nhiệm.

Sau khi tiếp xúc với HS này, thấy em rất thông minh nhưng ngỗ nghịch, thầy tìm hiểu từ phía gia đình thì mới biết cha em có hai đời vợ và có đến tám người con. “Cậu HS này là con của người vợ thứ hai. Một hôm, cha em tức giận vứt cặp sách của em và không cho đi học nữa. Từ đó em trở nên chán học và ngang ngược vì không còn cảm nhận sự quan tâm của cha mẹ” - thầy Hoàng kể.

Thầy Hoàng đã giao cho em này làm lớp phó và động viên, nhắc nhở em mỗi ngày. Đến giữa lớp 12, em là một trong những HS có thành tích học tập xuất sắc của lớp. “Khi chuẩn bị tốt nghiệp THPT, em này còn nhờ tôi tư vấn chọn nghề. Thậm chí em nói với tôi rằng chỉ chọn trường mà thầy chọn cho em và thầy phải chịu trách nhiệm với em về quyết định này!”.

Lần đầu tiên thầy Hoàng cảm thấy trách nhiệm với một con người cụ thể đặt trên vai mình. Từ sự tin tưởng và động viên của thầy, HS nói trên quyết tâm thi ĐH Ngân hàng và thi đậu với số điểm 25,5 điểm. “Hình ảnh em khiến tôi nhớ mãi. Tôi nghĩ phải làm sao giúp những HS yếu kém nên người, có ý thức vươn lên trong học tập, đó mới là thành công của người thầy” - thầy Hoàng chia sẻ.

“Trái tim người thầy” không chỉ là danh hiệu cho một cá nhân mà là sự ghi nhận của xã hội, của nhân dân và là tấm gương sáng minh chứng rằng dù khó khăn đến đâu thì những nhà giáo vẫn ngày đêm đổi mới, sáng tạo và thi đua dạy tốt-học tốt. Những người thầy không ngừng nâng cao nhận thức đúng về trách nhiệm của bản thân, thực hiện nghiêm túc và sáng tạo trong sự nghiệp trồng người, vượt qua mọi khó khăn để dìu dắt các thế hệ học sinh thành người...

Ông NGUYỄN HỮU HÙNG,
Chủ tịch Công đoàn  ngành giáo dục TP.HCM

Tại buổi gặp gỡ và giao lưu “Trái tim người thầy” diễn ra sáng 17-11, 129 nhà giáo tiêu biểu là những cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm giỏi đã được Công đoàn ngành giáo dục TP tôn vinh. Đây là những tấm gương luôn tận tụy, sống có trách nhiệm với nghề và không ngừng vươn lên trong cuộc sống để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác giảng dạy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm