Hội chứng “thần đồng nhân tạo” vẫn âm ỉ

Với mong muốn con mình không “thua kém bạn bè” khi bước vào lớp 1, không ít phụ huynh đã cho trẻ học chữ, học toán từ lúc ba, bốn tuổi. Thậm chí dù mới hai, ba tuổi, chưa nói tiếng Việt thật rành, một số trẻ cũng được cha mẹ cho học thêm ngoại ngữ. Cho trẻ học sớm có phải là một sự đầu tư thông minh của các bậc phụ huynh?

Ước con thành thần đồng

Chị Minh (nhân viên một công ty truyền thông ở TP.HCM) thật hạnh phúc khi con chị mới ba tuổi đã nhận biết được mặt chữ. Chị từng tuyên bố với nhóm bạn thân thời sinh viên: “Rồi mình sẽ có một thần đồng...”. Không dừng lại ở việc cho con nhớ mặt chữ, chị còn ra sức rèn cho bé viết chữ, học toán, tập đọc... Với mong muốn “thần đồng” của mình mau được mọi người biết tới, chị không ngại cho con xuất hiện và “biểu diễn” tại tất cả các sự kiện mà chị là thành viên ban tổ chức hoặc được mời đến…

Thật ra việc cho trẻ học sớm có thể thành công lúc đầu vì khi bắt đầu học, trẻ rất vui vẻ, háo hức. Khi đó trẻ thường nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi của cô giáo, cha mẹ, người thân cho từng sự tiến bộ của mình. Những cái xoa đầu, vỗ tay hay mỉm cười hài lòng của người khác có tác dụng rất tích cực đối với trẻ. Trẻ càng nhỏ, đương nhiên càng được khích lệ nhiều hơn. Nhờ học với sự say mê, hứng thú, trẻ dễ nhớ bài hơn. Tuy nhiên, việc cho trẻ học sớm cũng mang đến những nguy cơ tiềm ẩn mà giáo viên và các bậc phụ huynh cần quan tâm.

Ép trái non chín sớm

Nhiều nghiên cứu cho thấy ban đầu trẻ có thể học tốt những kiến thức người lớn dạy. Thế nhưng một thời gian sau, trẻ có thể sẽ có biểu hiện tuột dốc trong học tập. Bởi ỷ lại vào việc mình được học sớm hơn so với các bạn cùng tuổi, trẻ thường không cố gắng phấn đấu. Một thời gian sau, trẻ không còn theo kịp chương trình học, giảm sự hứng thú với việc học…

Hội chứng “thần đồng nhân tạo” vẫn âm ỉ ảnh 1

Việc cho trẻ học sớm cũng mang đến những nguy cơ tiềm ẩn mà giáo viên và các bậc phụ huynh cần quan tâm.Ảnh: HTD

Chị Mai Hương, một phụ huynh cho con học chương trình lớp 1 từ năm bốn tuổi, tâm sự: “Thấy bạn bè cháu đều được cha mẹ cho học trước chương trình lớp 1 để làm quen với những con chữ, phép tính nên tôi cũng cho cháu đi học. Lúc đầu, cả nhà đều bất ngờ trước sự thông minh, sáng dạ của cháu. Cháu nhớ mặt chữ và làm toán rất nhanh. Ai cũng đinh ninh cháu sẽ học giỏi hơn khi vào lớp 1. Tuy nhiên, khi cô giáo chủ nhiệm thông báo rằng cháu không tập trung, nói chuyện… khi cô giảng bài thì tôi và cả nhà nghĩ ngay đến lý do cháu đã biết trước chương trình nên không còn hứng thú với việc học nữa…”.

Hoạt động chính của trẻ ở độ tuổi mầm non là vui chơi. Ở độ tuổi này, trẻ cần nhiều thời gian nô đùa cùng bạn bè, khám phá thế giới xung quanh trước khi chuẩn bị vào cấp 1. Việc cho trẻ làm quen với những chữ cái, con số trước khi vào lớp 1 để trẻ khỏi bỡ ngỡ là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu cho trẻ học trước chương trình, cô giáo và cha mẹ đã vô tình đánh mất thời gian, cơ hội vàng để trẻ vui chơi, nô đùa cùng bạn bè; học hỏi, khám phá thế giới xung quanh.

Trẻ đi học trước chương trình lớp 1 thường không được đào tạo theo một quy trình bài bản nên sẽ không đạt được hiệu quả sư phạm như mong muốn. Chưa kể việc người dạy trước không có phương pháp sư phạm; không uốn nắn khi trẻ ngồi sai tư thế, cầm bút sai... Khi trẻ đã quen với cách ngồi, cách cầm bút ban đầu…, vào lớp 1 cô giáo sẽ rất khó uốn trẻ theo đúng chuẩn. Đáng nói, tư thế ngồi sai đó có thể khiến trẻ bị vẹo cột sống, cận thị.

Ngoài ra, việc cho trẻ học quá sớm không chỉ không phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý mà đôi khi còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần của trẻ. Không chỉ mắc các vấn đề về mắt, cột sống; trẻ còn có nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm… vì phải chịu nhiều áp lực của việc học trước chương trình.

Trẻ cần phát triển theo độ tuổi

Mục đích của giáo dục mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ; chuẩn bị cho trẻ làm quen với những chữ cái, con số trước khi vào lớp 1. Giáo viên mầm non chỉ giới thiệu cho trẻ chứ không dạy trước chương trình lớp 1 để tránh tâm lý nhàm chán, ỷ lại khi trẻ bước vào cấp học mới.

Cạnh đó, giáo viên và phụ huynh cũng cần lưu ý về việc cho trẻ học thêm ngoại ngữ, vi tính hay các môn năng khiếu khác. Bởi lẽ nếu học quá nhiều, trẻ sẽ rất mệt mỏi, bị áp lực dẫn đến kết quả không được như mong muốn của gia đình. Khi ấy trẻ càng bị áp lực nhiều hơn.

Mong muốn con có một tiền đề vững chắc để bước vào đời là lẽ đương nhiên. Dù vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý rằng trẻ cần được đầu tư phát triển sao cho phù hợp với độ tuổi và cá nhân trẻ. Nói cách khác, cha mẹ, giáo viên cần căn cứ vào độ tuổi, sự phát triển sinh lý, tâm lý của trẻ để có “chiến lược” giúp trẻ phát triển một cách tối ưu. Không quá dễ dãi, buông lỏng nhưng cũng không nên ép trẻ học sớm, học nhiều. Có vậy trẻ mới có thể phát triển đúng với độ tuổi của mình.

Không có sự tương đồng giữa việc học sớm và thành công. Vậy nên phụ huynh cần chú trọng việc cho trẻ sống thoải mái, cân bằng thay vì cứ thúc trẻ cắm đầu vào học theo kỳ vọng cá nhân mình.

Đỗ Nhật Nam chỉ là trường hợp cá biệt

Nhiều năm qua, Đỗ Nhật Nam (10 tuổi) đã trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình. Trước đó, bảy tuổi, Đỗ Nhật Nam đã thi TOEIC và lập kỷ lục về số điểm cao nhất: 650 điểm. Bảy tuổi, Nam lập kỷ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu “Dịch giả nhỏ tuổi nhất”.

Song, cậu bé vẫn được mọi người gọi là thần đồng ấy không hề học ngoại ngữ sớm như nhiều người vẫn nghĩ. Nam chỉ bắt đầu học tiếng Anh từ khi chuẩn bị vào lớp 1. Chỉ sau ba tháng tiếp xúc với tiếng Anh, em đã đỗ chứng chỉ Starter của ĐH Cambridge, đồng thời hoàn thành chứng chỉ Mover với số điểm tuyệt đối 15/15...

Tuy nhiên, cha mẹ Nam chưa bao giờ thừa nhận rằng con mình là thần đồng và không tán thành quan điểm ép con học sớm. “Tôi luôn tưởng tượng mỗi trẻ em là một cái cây, khi gốc chưa vững, khi chưa đến độ phát triển mà cứ bón thúc để sớm ra quả thì chắc chắn hoặc quả không ngon hoặc cây sẽ dừng phát triển. Mọi việc đối với con trẻ cần hết sức thận trọng. Con cái sinh ra không phải là để làm thỏa mãn tất cả khao khát của bố mẹ…” - chị Phan Thị Hồ Điệp, mẹ em Đỗ Nhật Nam, chia sẻ.

tổng hợp

HUỲNH VĂN SƠN, TS tâm lý học

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm