Không giáo dục kiểu 'quyền uy', áp đặt đối với học sinh

Trước tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Chỉ thị nêu rõ đối với các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của đơn vị với tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động.

Đáng chú ý, chỉ thị yêu cầu các phòng GD&ĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.

Sự việc em PPA bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau gây phẫn nộ trong dư luận

Bộ trưởng yêu cầu các phòng GD&ĐT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nề nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ trưởng yêu cầu phải tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phầm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo giáo dục cần tăng cường tổ chức các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.

Đối với các trường, chỉ thị nêu rõ đối với những trường hợp giáo viên vi phạm, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động.

Mặt khác, các cơ sở giáo dục cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức nhà giáo, kiến thức pháp luật, các quy định của ngành, trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nề nếp, kỷ cương trường học.

Đối với cán bộ quản lý, chỉ thị nêu rõ cần phải gương mẫu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, người lao động, người học thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nề nếp, kỷ cương trường học, có biện pháp ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên và người lao động vi phạm đạo đức.

Đặc biệt, đối với giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Đặc biệt, các thầy giáo, cô giáo phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự “người thầy”; luôn “tự soi”, “tự sửa”…

Thanh tra Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các chủ thể quản lý về công tác dân chủ trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường thao các quy định hiện hành.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh, Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục thường xuyên chỉ đạo các nhà trường tăng cường các biện pháp bảo đảm nề nếp, kỷ cương, giáo dục kỷ luật tích cực. Tham mưu sửa đổi, bổ sung điều lệ trường học các cấp học trong đó quy định cụ thể các chế tài xử lý các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm