CON TRẺ KINH DOANH - NÊN HAY KHÔNG?

Khuyến khích sáng tạo nhưng cần định hướng

Câu chuyện về một nhóm học sinh tiểu học tự lập “công ty” để hoạt động trong lớp thu hút sự chú ý của bạn đọc trong hai ngày qua. Đa phần các ý kiến đều có chung nhận xét các cháu có ý tưởng, rất sáng tạo. Đã đến lúc xã hội phát triển, những nhà giáo dục, các bậc phụ huynh không thể định khung theo tư tưởng cũ mà phải thay đổi để có ứng xử quản lý giáo dục cho phù hợp.

Việc này cần đặt trong hành trình phát triển của một con người, khi đó mọi thứ sẽ rõ ràng hơn. Mục tiêu lớn nhất trong đời của một con người đó là “sống cho ra một con người”. Khi các cháu còn nhỏ (dưới 18 tuổi) thì không có bất kỳ thứ gì quan trọng hơn việc học “làm người”, sau đó (sau 18 tuổi) thì học “làm việc” nhiều hơn. Nếu con trẻ đi làm kinh doanh, dù nhỏ hay lớn, thì cũng phải nằm trong hoạt động “học làm người”, học để trở thành một con người có tư duy độc lập, sáng tạo, biết phân biệt phải-trái, đúng-sai, hay-dở, tốt-xấu, có lẽ sống có ý nghĩa, biết dùng cuộc đời mình vào việc gì…

Nếu cái chuyện “kinh doanh” hay chuyện gì đó khác lạ của con trẻ mà phục vụ cho việc giáo dục con người và học làm người thì tại sao ta lại không khuyến khích? Nhưng nếu chuyện “kinh doanh” này lại làm cho các em sớm rời xa những giá trị cơ bản của con người, sớm đi vào con đường bọn chen, chụp giật… thì phải nên tránh. Trách nhiệm để thẩm định và phân biệt thứ “kinh doanh” nào của các em nên khuyến khích và thứ “kinh doanh” nào của các em nên tránh thuộc về các thầy cô và các bậc phụ huynh của các em. Dạy cho các em cái chữ, dạy cho các phép toán không khó bằng việc giúp các em hiểu thế nào là con người và sống làm sao cho ra một con người…

Khuyến khích sáng tạo nhưng cần định hướng ảnh 1

Ngoài ra, nếu con trẻ có dấu hiệu về một khả năng thiên bẩm vượt trội nào đó thì đó là điều tốt nhưng cũng đừng quá tự hào về điều đó, vì bất cứ một tài năng nào cũng cần phải được mài dũa và cần có thời gian để phát triển. Đã có biết bao thần đồng được ca ngợi từ nhỏ nhưng rồi lại như ngôi sao sớm tắt. Nếu ta có ca ngợi hay tôn vinh thì nên ca ngợi những tấm gương về nghị lực vượt nghịch cảnh để mọi người học hỏi và phấn đấu hay ca ngợi và tôn vinh những người đã thành công (chứ không phải là sẽ thành công). Có rất nhiều cách hiểu về thành công nhưng cách hiểu phổ biến là người thành công là người tạo ra nhiều giá trị cho người khác, cho nhiều người chứ không chỉ là kiếm hay đạt được gì cho mình. Do vậy, chuyện con trẻ kinh doanh hay làm gì đó vượt trội sớm thì đó là những tố chất, những điều kiện cần để thành công. Và điều kiện cần này chỉ chiếm 1% thành công, còn 99% còn lại là do phẩm chất và nỗ lực phấn đấu bền bỉ, dài lâu.

GIẢN TƯ TRUNG, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED)

Sát cánh và điều chỉnh kịp lúc

Việc chuẩn bị cho trẻ có được những kỹ năng sống cần được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và cần thực sự chú ý để tránh việc dồn ép đứa trẻ quá mức. Các bậc cha mẹ cần có nhiều hơn nữa sự cẩn trọng để chuẩn bị cho trẻ một cách hợp lý và an toàn.

Về phía trường học, đây không hẳn là sự “đặc biệt” đơn thuần vì nó liên quan đến nhiều bạn bè, liên quan đến tiền nong, đến quan hệ con người, nội quy trường, lớp. Không thể suy nghĩ giản đơn về hành vi của trẻ mà cần sát cánh và điều chỉnh kịp lúc để các em không nghĩ rằng người lớn phản ứng hay chống đối về ý tưởng của các em.

TSHUỲNH VĂN SƠN,Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Ủng hộ trẻ kinh doanh nhưng cần theo dõi sát sao

Tôi ủng hộ trẻ con làm kinh doanh nhỏ nhưng với một điều kiện tiên quyết là cần có sự hướng dẫn và theo dõi sát sao từ cha mẹ. Hãy chỉ cho chúng thấy kinh doanh không đơn thuần là kiếm tiền cho mình, mà cần bắt đầu bằng việc giúp ích người khác từ những sản phẩm mà mình kinh doanh. Hãy chỉ cho chúng thấy sự quý trọng đồng tiền và cách tiêu tiền đúng mực từ thành quả kinh doanh của chúng. Đừng biến chúng thành các lái buôn trẻ con chụp giật. Hãy gieo vào chúng mầm mống nhân văn của kinh doanh để sau này chúng có cơ hội trở thành những doanh nhân tài ba thực sự.

ÔngVŨ HỮU THÀNH,Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Y

Đó là trò chơi con trẻ

Trước hết, báo chí và nhà trường phải xem đây là một trò chơi của trẻ em, các em tận dụng giấy loại, các đồ dùng dư thừa để làm ra sản phẩm là điều đáng quý. Tôi cho rằng các em này rất giỏi khi nắm bắt tâm lý của các bạn trong trường, trong lớp để làm ra sản phẩm và có người mua. Việc thành lập “công ty” cũng như các chức danh là do các em tự phân bổ cho nhau, giống như các em chơi trò cô dâu, chú rể hay đóng vai vua, hoàng hậu, công chúa vậy đó.

Mục đích các em đến trường là để lấy kiến thức, tìm một công việc tốt và cuối cùng cũng chỉ để kiếm tiền và tạo ra chất lượng cuộc sống tốt. Giờ các em đã có ý thức phân bổ thời gian và tạo ra lợi nhuận thì nên khuyến khích các em làm. Quan điểm của tôi có thể không chính thống lắm nhưng xu hướng cuộc sống hiện đại thì nên để trẻ tự do phát triển đầu óc của mình.

Chuyên gia kinh tếHUỲNH BỬU SƠN

Nên hướng dẫn về mục đích “kinh doanh”

Hoạt động “kinh doanh” của các bé là một sáng tạo nhưng cần hướng dẫn về mục đích của hoạt động này, có hỗ trợ được gì cho mục tiêu chính là học tập hay không? Bé sẽ gặp khó khăn hoặc ảnh hưởng gì đến học tập, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí không?

Tôi thấy các cháu đang say sưa, hứng thú với ý tưởng, công việc của mình. Đặc biệt là công việc này chưa ảnh hưởng xấu đến học tập và các mối quan hệ khác của các cháu, cho nên cũng không có lý do gì phải cấm đoán. Thế nhưng đã phát sinh mâu thuẫn cạnh tranh giữa nhóm này với nhóm khác “kinh doanh đụng hàng”, tuy chưa nghiêm trọng nhưng thầy cô và phụ huynh cần lưu ý đừng để sự cạnh tranh làm mất đi nét hồn nhiên của trẻ thơ.

Tôi cho rằng ở lứa tuổi tiểu học, nhân cách của trẻ dần hình thành; trí tuệ, năng lực của trẻ được nhà trường chăm bồi từng bước. Cho nên suy cho cùng thì những người làm công tác giáo dục và phụ huynh cần định hướng, hướng dẫn trẻ đi vào những mục tiêu chính cần đạt được khi đến trường.

Ông TẠ THÀNH TRUNG (Phường 9, quận 3, TP.HCM)

Ý tưởng kinh doanh được trao giải thưởng

Tháng 6-2011, tại cuộc thi “Bé xinh của mẹ” do Nhà Thiếu nhi TP.HCM tổ chức, ý tưởng kinh doanh của bé Phan Lê Ánh Dương (bảy tuổi), Trường Tiểu học Thới Tam, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, đã được trao giải nhì vì ý tưởng độc đáo và thân thiện với môi trường.

Ý tưởng kinh doanh của bé Dương xuất phát từ việc tình cờ được mẹ đọc báo cho nghe về chương trình Giấc mơ của Thúy. Thấy nhiều doanh nghiệp mua nhiều hoa hướng dương (bằng giấy) để ủng hộ chương trình, em thắc mắc hỏi mẹ: “Mẹ ơi, họ mua hoa làm gì?”. “Mua để ủng hộ chương trình này. Nhưng bông thì chưng, sau hỏng thì bỏ đi”. Bé Dương nghĩ: “Sao không tận dụng những vật bỏ đi làm đồ dùng cho những chương trình này?”.

Khuyến khích sáng tạo nhưng cần định hướng ảnh 2

Bé Phan Lê Ánh Dương cùng mẹ giới thiệu ý tưởng kinh doanh Bảo vệ môi trường tại một buổi hội thảo tháng 9-2011. Trong ảnh: Chiếc đầm do mẹ bé may, các hoa văn, họa tiết là do bé thiết kế và thực hiện. Ảnh: T.HẢI

Và mẹ bé đã giúp con biến ý tưởng thành hiện thực. Chị may cho bé những chiếc áo đầm xinh xắn để bé đính nơ, hoa và viền bằng những vật dụng bỏ đi từ vỏ mì gói, cà phê, trà… Giá thành rẻ (dưới 100.000 đồng), ý tưởng thân thiện với môi trường, nên sản phẩm của bé đã được nhiều người thân, quen đón nhận.

Bé Dương cho biết sẽ tiếp tục thiết kế những con búp bê xinh xắn, những vật dụng hữu ích và bán cho nhiều người. Qua đó, kêu gọi các bạn nhỏ và mọi người cùng bảo vệ môi trường.

Bé cũng đề nghị mẹ tạo cho một trang web riêng giới thiệu các sản phẩm do mình thiết kế để bán cho các bạn. Bé mong muốn sẽ mở rộng thành mô hình kinh doanh mang lại lợi ích cho xã hội.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm