BAN KINH TẾ NGÂN SÁCH VÀ BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TP.HCM

Kiến nghị giữ đất cho Trường Lê Quý Đôn!

Sáng 14-4, Ban Kinh tế Ngân sách (KTNS) và Ban VH-XH (HĐND TP) đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành có liên quan về việc xử lý vướng mắc liên quan đến khu đất tại 112 Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK), quận 3 giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM và Trường Lê Quý Đôn.

Khu đất 112 là của Trường Lê Quý Đôn

Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban VH-XH và ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban KTNS, cùng các phó, trưởng ban đã lắng nghe các sở, ban ngành để tìm hiểu quá trình khu đất 112 NTMK trở thành tài sản của ngân hàng. Qua trình bày của các thành viên có liên quan cho thấy có nhiều văn bản của UBND TP và các sở, ngành thừa nhận lô đất 112 là đất của trường. Đơn cử như ngày 6-12-2007, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP, có ký văn bản nêu rõ: “Thống nhất chủ trương xử lý theo đề nghị của các sở, ban ngành TP tại cuộc họp 17-10-2007 về không bán khu đất 112 NTMK cho bốn hộ dân đang thuê sử dụng theo quy định tại Nghị định 61/CP của Chính phủ do căn nhà này thuộc khuôn viên Trường Lê Quý Đôn, để thực hiện dự án đầu tư mở rộng trường. Giao Sở Xây dựng chủ trì, khẩn trương củng cố căn cứ pháp lý làm cơ sở trả lời đơn của bốn hộ dân đang thuê sử dụng về không bán khu đất trên để thực hiện dự án đầu tư mở rộng trường, khi triển khai dự án sẽ xem xét, giải quyết chính sách bồi thường theo quy định hiện hành. Giao Sở Tài chính, Hội đồng Thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng TP chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT, UBND quận 3 cùng các cơ quan liên quan xây dựng phương án di dời tổng thể (bao gồm cả khu nhà số 112 NTMK và Chi nhánh Ngân hàng Công Thương) phương án bồi thường di dời theo giá thị trường cùng các nội dung liên quan trình UBND TP xem xét, quyết định. Sở GD&ĐT chủ trì cùng Trường THPT Lê Quý Đôn, UBND quận 3 khẩn trương triển khai thủ tục thực hiện dự án đầu tư mở rộng trường”. Ngày 25-6-2009, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài lại có quyết định cho ngân hàng sử dụng miếng đất này để xây dựng trụ sở làm việc. Quyết định này đã vô tình mâu thuẫn với quyết định ngày 6-12-2007 cũng do chính ông Tài ký.

Kiến nghị giữ đất cho Trường Lê Quý Đôn! ảnh 1

Trường Lê Quý Đôn là một trong những khu vực di sản cần phải bảo tồn và dành phần đất cho trường để phát triển sự nghiệp giáo dục. Ảnh: HTD

Cuộc họp đã thống nhất kết luận đây là phần đất nằm trong khu vực di sản cần phải bảo tồn và phải dành phần đất này cho trường để phát triển sự nghiệp giáo dục, sẽ trình Thường trực HĐND để đề xuất UBND giải quyết theo hướng này.

Có lối ra cho cả đôi bên

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó ban KTNS, cho rằng qua buổi họp sáng 14-4 đã cho thấy hướng giải quyết tối ưu là giải tỏa cả bốn hộ dân đang sống tại lô đất này và cả phần đất của ngân hàng để giữ toàn bộ ô phố cho trường. Về mặt pháp lý, có thể sửa chữa được vì quyết định 25-6-2009 của UBND TP chỉ cho ngân hàng thuê khu đất theo phương thức trả tiền hằng năm chứ không phải thuê dài hạn nên phía ngân hàng bị hạn chế một số quyền hạn và theo pháp luật dân sự, hai bên có thể điều chỉnh, thậm chí chấm dứt hợp đồng thuê bất kỳ vào thời điểm nào.

Luật sư Nghĩa nói thêm, quan điểm của Ban KTNS và Ban VH-XH dành đất cho giáo dục và cần bảo tồn di tích Trường Lê Quý Đôn dựa trên cơ sở pháp lý là quy hoạch hiện hữu có từ năm 1998, các nghị quyết HĐND TP và cả quyết định ngày 25-11-2010 của UBND TP về kiểm kê, bảo tồn 168 công trình địa điểm đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích văn hóa, trong đó có Trường Lê Quý Đôn.

Thông tin từ luật sư Nghĩa cho biết qua trao đổi bên lề với tư cách cá nhân, phía ngân hàng cũng có thiện chí đề xuất UBND TP tìm miếng đất khác để hoán đổi miếng đất 112 NTMK. “Phía ngân hàng đã có thiện chí, chính quyền TP quyết tâm làm thì việc giữ lại nguyên lô đất 112 cho giáo dục và bảo tồn di tích như nguyện vọng của nhiều người dân TP là nằm trong tầm tay” - luật sư Nghĩa khẳng định.

Cần Thơ từng không cho ngân hàng lấy đất trường học

Khoảng 2002-2003, Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ đề nghị lãnh đạo tỉnh Cần Thơ cho phép lấy toàn bộ diện tích của Trường THCS Tân An (nằm liền kề với trụ sở Vietcombank). Trước đó do nhu cầu phát triển kinh tế, đã di dời trường tiểu học (duy nhất) và một trường mẫu giáo sang địa bàn phường khác, nếu lại di dời trường còn lại thì nhân dân sẽ phản ứng. Quan điểm của chúng ta là gắn trường mẫu giáo, tiểu học và THCS với địa bàn phường, xã. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét giữ lại Trường THCS Tân An, đồng thời đề nghị nếu Vietcombank có ý định bán phần đất trụ sở chi nhánh thì sẽ mua để mở rộng diện tích cho nhà trường. Lãnh đạo tỉnh thời điểm ấy đã chấp thuận ý kiến tham mưu và nguyện vọng của ngành giáo dục”.

Theo ôngTÔ MINH GIỚI, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (thời điểm 2002-2003 ông Giới là giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cần Thơ)

GIA TUỆ

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm